CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)

ÁNH TRĂNG XUÂN TRONG THƠ BÁC HỒ

21:04 01-06-23

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác rất nhiều bài thơ về mùa Xuân. Từ sau cách mạng Tháng Tám đến lúc Người mất, Bác đã sáng tác hàng trăm bài thơ chữ Hán và chữ Việt, trong đó có bài “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng), là bài thơ chữ Hán được viết tại chiến khu Việt Bắc năm Mậu Tý (1948).

Nguyên tiêu

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Rằm tháng Giêng

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(Xuân Thủy dịch)

Ngoài hình tượng chiến đấu, thơ kháng chiến của Bác nhắc nhiều đến ánh trăng, “người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (Ngắm trăng), “chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn” (Giải đi sớm).... Thiên nhiên trong thơ Bác vừa hiện thực lại vừa bay bổng lãng mạn. Cảnh vật được xác định cụ thể mà vẫn tượng trưng, ngụ ý, phơi phới tự nhiên mà chắt lọc sáng tạo.

Có thể khẳng định rằng, thế giới tâm hồn Người và sáng tác của Người vừa gần gũi với chúng ta, vừa có vẻ đẹp riêng độc đáo. Người ta ví Bác và văn thơ của Bác như ánh sáng ban ngày: ánh sáng trong suốt không màu, nhưng thực ra có đủ cả bảy sắc cầu vồng. Bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) mang phong vị “những sắc cầu vòng” ấy.

Hình ảnh sông, nước, trời ngập tràn hơi thở của mùa xuân được Bác Hồ lột tả bằng bút pháp chấm phá một cách tài tình: trăng độ vừa tròn, vằng vặc chiếu dòng sông mênh mang. Dòng sông, mặt nước, bầu trời trong suốt, mờ ảo một thứ sương xanh biếc như khoí, se se lạnh.

Âm hưởng của Nguyên tiêu cũng gợi lên âm hưởng của Trương Kế: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Bản dịch sang chữ quốc ngữ nổi tiếng nhất là của Tản Đà : “Trăng tà tiếng quạ kêu sương/Lửa chài cây bãi sầu vương giấc hồ/Thuyền ai đậu bến Cô Tô/Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”. Chúng ta có thể so sánh rằng, vầng trăng trong “Phong Kiều dạ bạc” là vầng trăng lặn, vầng trăng chết. Còn trăng trong Nguyên tiêu là vầng trăng đang lên, vầng trăng độ non tơ, tràn trề sức sống (nguyệt chính viên). Cũng là sương nhưng một đằng là sương trắng đục, một đằng là sương mỏng và nhẹ như khói. Cũng vẫn là dòng sông, mặt nước, bầu trời nhưng “Phong Kiều dạ bạc” thì hư vô mờ ảo, còn trong Nguyên tiêu thì rực rỡ  sắc xuân: “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”.

Câu thơ lập lại ba lần chữ “Xuân”, nghe như tạc, như in xuân sắc vào bầu trời, ấm áp, đầy hương khói. Cảnh thiên nhiên trong đêm trăng càng nhân lên độ ngời sáng, như muốn hòa nhập với con người vào bốn bề bát ngát, xanh trong. Mạch thơ tiếp theo: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự” (Giữa dòng bàn bạc việc quân), Yên là khói, sương khói, ba là sóng, thâm sứ là nơi sâu thẳm, đàm quân sự là bàn bạc việc quân sự. Cả câu ba nghĩa là nơi khói sóng mịt mù sâu thẳm bàn bạc việc quân sự. Đọc câu thơ ta thấy bàn việc quân sự nơi sơn cùng thủy tận, nơi khói sóng mịt mù huyền ảo, hư hư thực thực, bí mật mà vẫn rất thơ mộng, lãng mạn, bay bổng, rất thực mà cũng đầy chất thơ. Những giây phút ấy dù cảnh vật có hấp dẫn đến đâu chăng nữa cũng không thể thả mình trong thiên nhiên hoàn mỹ, bởi “trăng vào cửa sổ đòi thơ/Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”.

Chất lãng mạn cách mạng đặc biệt kết tụ ở hai câu thơ cuối:Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền (Khuya về bát ngát trăng đầy thuyền).

Trăng lên đỉnh vòm trời nên thuyền đầy ắp trăng. Trăng càng cao, càng sáng, càng huyền diệu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị tư lệnh tối cao của dân tộc, đồng thời là một thi nhân. Gió trăng chứa một thuyền đầy, nhà thơ ra về thư thái. Bài thơ có cảm giác thần tiên, vừa chứa đựng niềm tin vào thắng lợi.

Toàn bài thơ “Nguyên tiêu” (rằm thắng giêng) là cảnh vật núi rừng Việt Bắc ngập ánh trăng rằm mùa xuân-tháng giêng, có sương khói và hình ảnh con thuyền trăng đầy lãng mạn. Nhưng đó là con thuyền cách mạng sẽ che chở nhà thơ, chiến sĩ đến với rạng đông, “bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi” của chiến thắng Bông Lau, chiến thắng Sông Lô và khúc khải hoàn ca “Chín năm làm một Điện biên/nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Đọc “Nguyên tiêu”  của Bác Hồ viết cách đây 60 năm (1948-2020), tâm hồn mỗi chúng ta thêm giàu có, trong sáng, biết hướng tới ngày mai, vươn tới ánh sáng mà đi lên phía trước.Ôi, những vầng trăng đi qua bao nhiêu cảm xúc, nguyện mãi thủy chung theo Bác suốt đời. Ước mong đất nước mãi mãi tỏa sáng vầng trăng thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

NGUYỄN VĂN THANH 

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”