CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2024)
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2024)

Công đoàn Việt Nam qua các kỳ Đại hội

14:12 13-09-18

         Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ

         Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ diễn ra ngày 28/7/1929 tại nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, do Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội thông qua Chương trình, Điều lệ của Công hội Đỏ, đồng thời quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I  

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I họp từ ngày 01/01/1950 đến ngày 15/01/1950 tại tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Về dự Đại hội có trên 200 đại biểu thay mặt cho khoảng 350.000 công nhân, viên chức, lao động. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội; đại diện Mặt trận dân tộc thống nhất; Các đoàn thể quần chúng cách mạng, nhiều chiến sĩ thi đua các ngành và các đại biểu nước ngoài đến dự Đại hội.

         Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”.

         Đại hội đã đề ra nhiệm vụ mới của giai cấp công nhân và Công đoàn trong kháng chiến, Nghị quyết Đại hội đã nêu rõ: “Tích cực cùng toàn dân chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, tiêu diệt thực dân Pháp và bù nhìn tay sai, đánh bại âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất thật sự cho Tổ quốc, góp phần cùng lao động và nhân dân các nước đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới”.

         Đại hội bầu đồng chí Tôn Đức Thắng - Người thành lập và lãnh đạo Công hội Ba Son (1921) làm Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội  bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 21 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 02/1951 là Ủy viên Bộ Chính trị) được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký, các đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Trần Quốc Thảo được bầu làm Phó Tổng Thư ký.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II họp từ ngày 23/02/1961 đến ngày 27/02/1961, tại Trường Thương nghiệp, Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 752 đại biểu, trong đó có 666 đại biểu chính thức và 86 đại biểu dự khuyết. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu với Đại hội.

         Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”. Đại hội đã chỉ ra nhiệm vụ chung là: “Đoàn kết, tổ chức, giáo dục toàn thể công nhân viên chức, phát huy khí thế cách mạng, khí thế làm chủ và tính tích cực sáng tạo của quần chúng làm cho quần chúng mau chóng nắm vững kỹ thuật tiên tiến, để hoàn thành thắng lới sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trước mắt là thi đua hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đưa miến Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lê chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất tổ quốc”.  

         Đại hội đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng thời nhất trí thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm 10 chương và 45 điều. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 55 ủy viên chính thức, 10 ủy viên dự khuyết. Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 19 người. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 9 người. Đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III họp từ ngày 11/02/1974 đến ngày 14/2/1974, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 600 đại biểu (100 đại biểu dự khuyết) thay mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức cả nước. Đại hội đã đón 25 đoàn khách đại diện cho giai cấp công nhân và công đoàn quốc tế và đoàn đại biểu Liên Hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam do đồng chí Đặng Trần Thi (Phó Chủ tịch LHCĐGP) dẫn đầu. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Tôn Đức Thắng Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội đến dự Đại hội.

         Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Đại hội đề ra nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn trong hai năm 1974 - 1975 là: “Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH; củng cố quan hệ sản xuất XHCN, củng cố chế độ XHCN về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống nhân dân, ra sức làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam anh hùng”.

         Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 72 uỷ viên. Ban Thư ký gồm 09 ủy viên. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Các đồng chí Nguyễn Công Hòa, Trương Thị Mỹ được bầu làm Phó Chủ tịch.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV họp từ  ngày 08/5/1978 đến ngày 11/5/1978, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 926 đại biểu thay mặt cho trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Đại hội đón 36 đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho tổ chức Công đoàn thế giới.

         Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước”. Đại hội đã cụ thể hóa những nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng mà nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập hợp, vận động công nhân lao động hăng hái thi đua sản xuất, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II”.

         Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 ủy viên.  Ban Thư ký gồm 12 đồng chí. Đồng Chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, đồng chí Nguyễn Hộ được bầu làm Phó Chủ tịch.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V họp từ ngày 16/11/1983 đến ngày 18/11/1983 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 949 đại biểu thay mặt cho gần 4 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến dự và chỉ đạo Đại hội.

         Đại hội đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Động viên công nhân lao động thi đua thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng: Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V nhất trí lấy ngày 28/7/1929, ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

         Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 đồng chí. Ban Thư ký gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI họp từ ngày 17/10/2018 đến ngày 20/10/1988, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 834 đại biểu ưu tú thay mặt cho hơn 3 triệu đoàn viên công đoàn trong toàn quốc. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng -  Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan đoàn thể quần chúng và các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng đến dự Đại hội.

         Đại hội đã đề ra mục tiêu là: “ Việc làm và đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới, trong đó hai nhiệm vụ chính là: “Động viên công nhân, lao động đổi mới cơ chế quản lư kinh tế, hăng hái đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; Chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động”.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đổi tên các Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành phố, huyện, thị xã thành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, huyện, thị xã; Bỏ chức danh Tổng Thư ký, thay chức danh thư ký công đoàn các cấp bằng chức danh chủ tịch công đoàn.    

         Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 155 đồng chí. Ban Thư ký gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các đồng chí Cù Thị Hậu, Dương Xuân An được bầu làm Phó Chủ tịch.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII  

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII họp từ ngày 9/11/1993 đến ngày 12/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có hơn 600 đại biểu thay mặt cho công nhân, viên chức, lao động khắp mọi miền đất nước. Đại hội vinh dự được đón Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ  Chí Công  - Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự Đại hội.

         Đại hội đã xác định mục tiêu của hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 1993 - 1998 là: “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân, lao động”.

         Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa VII gồm 125 đồng chí. Ban Chấp hành đã bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các đồng chí Cù Thị Hậu, Hoàng Minh Chúc, Nguyễn An Lương, Hoàng Thị Khánh được bầu làm Phó Chủ tịch.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII  

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII họp từ ngày 03/11/1998 đến ngày 06/11/1998 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 898 đại biểu đến từ  80 đoàn đại biểu trên cả nước, 31 đoàn đại biểu quốc tế, đại diện Tổ chức Liên hiệp công đoàn Thế giới, đại biểu công đoàn các nước trong khu vực và các đoàn ngoại giao. Đại hội vinh dự được đón các đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Trần Đức Lương, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Phan Văn Khải, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nông Đức Mạnh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu đại diện các đoàn thể quần chúng đến dự Đại hội.

         Đại hội đề ra mục tiêu: “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh”.

         Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam  khóa VIII  gồm 145 đồng chí. Ban Chấp hành  khóa VII đã bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 17 đồng chí. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Các đồng chí: Nguyễn An Lương, Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần IX họp từ ngày từ ngày 10/10/2003 đến ngày 13/10/2003, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 900 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 4,2 triệu đoàn viên trong cả nước. Đại hội vinh dự được đón tiếp đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các đồng chí nguyên là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể khác, cùng 31 đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế và Công đoàn các nước, đại diện đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế và phi chính phủ có quan hệ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến dự Đại hội.

         Đại hội đã đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ 2003 - 2008 là: “Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới; củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả trong CNVCLĐ; Tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức Công đoàn trong các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và tŕnh độ cán bộ công đoàn; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

         Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành khoá IX đã bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 19 uỷ viên. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các đồng chí: Đặng Ngọc Tùng, Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Hòa Bình được bầu làm Phó Chủ tịch.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X

         Đại hội X Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 02/5/2008 đến 5/11/2008 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 985 đại biểu chính thức. Đại hội vinh dự được đón tiếp đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên là lãnh đạo của Đảng và Nhà nước;  các đồng chí Ủỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các đoàn thể khác, cùng 20 đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế và Công đoàn các nước, đại diện đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế và phi chính phủ có quan hệ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

         Đại hội đề ra mục tiêu của hoạt động công đoàn trong những năm tới là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

         Khẩu hiệu hành động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới là: “Công đoàn Việt Nam đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”. 

         Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá X gồm 160 đồng chí. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn LĐVN khoá X đã bầu Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn gồm 21 đồng chí. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng, Hoàng Ngọc Thanh được bầu làm Phó Chủ tịch.

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI  

         Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI họp từ ngày 27/7/2013 đến ngày 30/7/2013, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 944 đại biểu thuộc 83 đoàn đại biểu trong cả nước; 07 đoàn đại biểu quốc tế, trong đó 04 đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế từ nước ngoài vào và 03 đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đại hội vinh dự được đón các đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đến dự Đại hội.

         Đại hội thống nhất đề ra mục tiêu, phương hướng tổng quát và phương châm hành động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2013 - 2018 như sau:

         Về mục tiêu, phương hướng tổng quát: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lương công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

         Về phương châm hành động: “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”.

         Đại hội nhất trí số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XI là 175 đồng chí và đã bầu tại Đại hội 172 đồng chí vào Ban Chấp hành. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI đã nhất trí số lượng Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI là 27 đồng chí và đã bầu tại Hội nghị lần thứ nhất là 24 đồng chí. Hội nghị bầu đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ chức Chủ tịch và bầu 05 đồng chí: Trần Thanh Hải, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng, Trần Văn Lý giữ chức Phó Chủ tịch.

Ban Tuyên giáo CĐVCVN

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”