CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)

Lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

11:02 05-03-21

.

1. Lịch sử ngày 8/3 ngày Quốc tế Phụ nữ

Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Khoảng 50 năm sau, đến ngày 28/2/1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.

Những cuộc đấu tranh đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 3 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Clara Zetkin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan) và bà Nadezhda Krupskaya (vợ Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.

Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

2.     Ý nghĩa ngày 8/3 ngày Quốc tế Phụ nữ

Khi sự bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến ở một số nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn luôn chịu thiệt thòi, vất vả, thậm chí là phải chịu đựng các tệ nạn xã hội như mại dâm, quấy rối, … Ngay tại những nơi nam nữ bình đẳng nhất, cũng không thể tránh khỏi việc phụ nữ phải âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, trong 365 ngày, phụ nữ xứng đáng được có riêng một ngày để nhận được sự quan tâm và tôn trọng hơn từ nửa còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại. Họ vừa là người nội trợ trong gia đình, hy sinh và “giữ lửa” cho tổ ấm. Họ cũng vừa tham gia lao động và đóng góp cống hiến sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, từ nữ doanh nhân thành đạt đến các nữ nghệ sĩ, người truyền cảm hứng, … Không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Dưới sự đấu tranh không ngừng cho bình đẳng giới mà biểu tượng là ngày 8/3, phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.

3.     Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam

Thực hiện cam kết đó, ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu "Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình" của hội nghị Bắc Kinh.

Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.

Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang" và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương "Thành đồng" hạng nhất.

Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá: "Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới". Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%.

Vào ngày 8/3 hàng năm, những người phụ nữ trong cả nước thường được tặng hoa, tặng quà hoặc tổ chức những buổi lễ kỷ niệm để thể hiện sự quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày bù đắp cho những vất vả của những người mẹ tảo tần cho gia đình và xã hội, những người vợ đảm đang, vun vén dựng xây tổ ấm gia đình.

4. Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra vào năm 40 đầu Công nguyên, cách chúng ta gần hai nghìn năm. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, xưng Vương dựng nước cũng là phụ nữ. Chưa một dân tộc nào, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang như vậy.

Sử cũ còn ghi, vào giữa mùa xuân năm Kiến Vũ thứ 16 (tháng 3/40), mở đầu cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Châu chống lại áp bức bóc lột của nhà Đông Hán là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giao Chỉ cùng với nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng.

Hai Bà Trưng (chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị) là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách bị viên Thái thú Tô Định giết hại. Nợ nước, thù nhà, trước sự bóc lột tàn ác của chính quyền đô hộ, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã được phát động từ cửa sông Hát (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây). Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa của các địa phương trong nước thống nhất thành một phong trào quần chúng ở khắp nơi. Trước sự tấn công mạnh mẽ của quần chúng khởi nghĩa, chính quyền đô hộ tan rã sụp đổ nhanh chóng. Nền độc lập dân tộc lại được phục hồi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là trang sử bất hủ của dân tộc ta ở đầu Công nguyên. Nhưng chẳng bao lâu, nghe tin Trưng Trắc xưng Vương, vua Quang Vũ nhà Hán đã cử Mã Viện đem quân sang đàn áp. Trưng Vương cùng các tướng lĩnh lại phát quân từ Mê Linh đến đánh địch ở vùng Lãng Bạc. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa quân của Trưng Vương và quân của Mã Viện. Quân của Trưng Vương gồm rất nhiều nữ tướng kiên cường chiến đấu rất anh dũng, xong vì thế cùng lực tận bị thua rút về Cấm Khê. Quân Mã Viện đuổi theo, cuộc chiến đấu diễn ra oanh liệt sau gần một năm trời, quân Trưng Vương hy sinh rất nhiều, Hai Bà Trưng về Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cuối cùng thất bại, đất nước và nhân dân ta lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ, nhưng tiếng vang của nó đời đời bất diệt. Nó đã gieo hạt giống tốt cho chủ nghĩa anh hùng Việt Nam là không sợ địch dù mạnh đến đâu, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không chỉ biểu thị được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn nói lên khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngày nay, cứ mỗi mùa xuân đến, các thế hệ phụ nữ chúng ta lại kỷ niệm chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng cách đây đúng 1978 mùa xuân.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gửi đến những người Phụ nữ Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực để luôn xứng đáng với bốn phẩm chất đạo đức của Phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.

BTG (sưu tầm).

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”