CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2/7/1994 - 2/7/2024)

Nhớ mãi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổ chức Công đoàn

14:42 14-05-20

Cách đây hơn 50 năm và cũng hơn nửa thế kỷ trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Buổi sáng hôm đó, không khí Hà Nội khá oi nồng, nhưng được gặp Bác ngay tại Nhà sàn của Bác, mọi người tham dự hôm đó không một ai quan tâm đến khí hậu nóng hay mát. Lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam vừa bước lên cầu thang Nhà sàn thì Bác Hồ cũng vừa từ phòng làm việc bước ra. Mọi người vừa dứt tiếng chào, Bác đã giơ tay ra hiệu mời mọi người ngồi xuống. Ngồi cạnh Bác là đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, kế tiếp là đồng chí Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam và một số đồng chí trong Ban Thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam VN. Đây cũng là buổi làm việc cuối cùng của Bác Hồ Kính yêu với các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trong suốt cuộc đời 79 mùa xuân của Người.

Nhân dịp Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh(19/5/1890-19/5/2020); Ban Biên tập đăng toàn văn buổi nói chuyện của Bác Hồ với các đồng chí Lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam ngày 18 tháng 7 năm 1969 (Tài liệu của Tổng Công đoàn Việt Nam; trích trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15 .- Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật, tháng 5  năm 2011.- tr. 678-684).

“Bác đã nhiều lần gặp công đoàn, hôm nay lại gặp các chú. Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo. Khác hẳn với trước kia, công nhân bây giờ là người chủ đất nước, chủ xã hội, chủ cuộc sống. Bởi vậy mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc ý thức làm chủ tập thể và đạo đức cách mạng “mình vì mọi người”.

Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho nǎng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ.

Mỗi người công nhân, viên chức là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm. Nước ta nghèo, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, phải ra sức sản xuất, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Cán bộ, công nhân, viên chức đã hiểu như vậy cho nên đã cố gắng làm việc tốt.

Nhưng vẫn còn một số chưa hiểu đúng như thế cho nên lười biếng lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy trên bàn một tập báo đã cắt sẵn, đưa cho một đồng chí xem và nói tiếp:

Bác xem Báo Lao động, có bài viết về chuyện một số công nhân nào đó mỗi ngày chỉ làm rất ít giờ. Bác rất đau lòng. Luật Nhà nước quy định mỗi công nhân, viên chức phải làm việc 8 giờ. Nếu có người chỉ làm việc ít giờ thì rõ ràng người đó không làm tròn trách nhiệm với Nhà nước, với nhân dân.

Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, v.v., nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân. Trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước còn có những người như vậy là họ chưa giác ngộ quyền lợi giai cấp và rõ ràng công tác vận động công nhân chưa tốt.

Cán bộ công đoàn phải thấy hết trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội và đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mà tự rèn luyện nâng cao ý chí cách mạng tiến công và tinh thần trách nhiệm. Có thế mới xây dựng được một đội ngũ công nhân có giác ngộ cao, có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn, có tinh thần làm chủ tập thể, thực sự có trình độ vǎn hoá và khoa học, kỹ thuật để đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về tình hình làm việc của công nhân cảng Hải Phòng. Một đồng chí báo cáo, có những việc làm rất tốt, nhưng cũng có việc như bảo quản hàng hoá thì còn có chỗ chưa tốt. Người tỏ vẻ không hài lòng và nói:

Như thế là các cô, các chú công nhân ở đây cũng có người chưa thấy hết trách nhiệm của mình và ý nghĩa việc mình làm. Hàng hoá đó đều là do giai cấp công nhân làm ra giúp ta để đánh Mỹ xâm lược và xây dựng kinh tế, cho nên chúng ta không được phép làm mất mát, hư hỏng. Nếu cứ để như thế thì một số hàng viện trợ ấy không sử dụng được vào mục đích đánh Mỹ và xây dựng kinh tế, như vậy cũng là không làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với bạn.

Các cô, các chú công đoàn ở Cảng chưa làm tròn nhiệm vụ, chưa thấy hết trách nhiệm, chưa giáo dục công nhân, viên chức nhận rõ ý nghĩa chính trị và nhiệm vụ của việc bảo vệ hàng hoá trong khi bốc dỡ và vận chuyển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về tình hình giáo dục công nhân và nhận xét:

Công đoàn làm công tác giáo dục nhiều nơi còn chung chung, chính trị suông, chưa biết nắm công tác chính trị, thúc đẩy sản xuất, động viên mọi người làm tròn trách nhiệm trong lao động sản xuất. Làm chung chung thì dễ, làm cụ thể phải chịu khó. Việc tự phê bình thế là tốt nhưng kết quả sửa thế nào mới là quan trọng. Trong công tác giáo dục phải gắn liền với nhiệm vụ cụ thể. Ví như nói giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, thì cụ thể là phải gương mẫu trong sản xuất, gương mẫu trong đời sống. Nói lãnh đạo mà không gương mẫu thì lãnh đạo làm sao được?

Hiện nay trong hàng ngũ công nhân, có người - nhất là một số thợ mới vào nghề – còn thái độ lao động chưa tốt. Một con sâu làm rầu nồi canh, một số người không tốt làm ảnh hưởng tới cả giai cấp công nhân. Cho nên công đoàn phải giáo dục công nhân có tinh thần kiên quyết đấu tranh cho độc lập, tự do và xây dựng, phát triển kinh tế, đó là cái lớn. Đồng thời cũng phải kiên quyết phê bình người làm sai. Dù ai làm sai cũng thẳng thắn phê bình giúp đỡ nhau sửa chữa được tốt. Phải kiên quyết thực hiện đấu tranh trong nội bộ công nhân, viên chức để gạt bỏ những thói hư tật xấu của giai cấp bóc lột cũ còn rớt lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cho mọi người xem một bài báo cắt trong Báo Hà Nội mới, ra ngày 16-2-1969, viết về việc công đoàn cửa hàng thực phẩm Chợ Hôm (Hà Nội) thành lập Ban kiểm tra quản lý vật tư hàng hoá và đã phát hiện một số khuyết điểm. Người nói:

Công nhân phải nâng cao vai trò làm chủ tập thể, phải mạnh dạn đấu tranh. Lập ban kiểm tra là đúng, nhưng ban kiểm tra phải dựa vào quần chúng mà tiến hành công tác. Giai cấp công nhân có quyền bầu ra thì cũng có quyền bãi miễn họ, nếu họ không chịu sửa chữa khuyết điểm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cho mọi người xem thêm một bài in trên báo Nhân dân, ra ngày 16-7-1969, viết về việc công nhân mỏ phê bình một số cửa hàng bách hoá Mạo Khê. Người nói:

Các báo đǎng bài của công nhân phê bình, thế là tốt. Báo Lao động nên mở rộng mục này cho quần chúng phê bình trên báo. Như vậy, vừa bảo đảm quyền dân chủ của công nhân, vừa nâng cao tính chiến đấu của tờ báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về đời sống của công nhân, viên chức. Được biết hiện đang gặp khó khǎn, Người nói:

Quần chúng rất thông cảm với hoàn cảnh thiếu hàng, quần chúng chỉ phàn nàn việc phân phối không công bằng. Vẫn còn một số cán bộ lạm dụng chức quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm trước quần chúng. Ngay trong công đoàn cũng có cán bộ mắc thiếu sót trên, làm cho đời sống quần chúng thêm khó khǎn. Một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự quan tâm đến đời sống của quần chúng.

Trong tình hình cả nước có chiến tranh, Nhà nước đã có những cố gắng lớn để ổn định đời sống nhân dân. Bác có tiếp một số khách nước ngoài, họ đều công nhận đó là một thắng lợi.

Ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khǎn còn nhiều và lâu dài. Cán bộ, công nhân, viên chức, nhất là cán bộ công đoàn, phải thấy hết tình hình khách quan đó, mà ra sức vận động công nhân, viên chức cố gắng lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, cùng nhau vượt mọi khó khǎn để chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những điều công đoàn phải thực hiện. Người nói:

Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Quyền lợi của công nhân, viên chức gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp và kinh doanh có lãi. Từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động.

Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, vǎn hoá.

Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống v.v..

Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ.

Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và vǎn hoá của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân.

Về vai trò của tổ chức công đoàn:

Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật.

Lênin đã dạy: “Công đoàn, nói chung, là trường học chủ nghĩa cộng sản, thì nói riêng phải là trường học quản lý công nghiệp xã hội chủ nghĩa (rồi dần dần quản lý nông nghiệp) cho tất cả quần chúng công nhân, rồi cho tất cả những người lao động”(1).

Như vậy là công đoàn phải vận động quần chúng lao động tham gia ngày càng rộng rãi vào toàn bộ sự nghiệp xây dựng nền kinh tế quốc dân, vào các kế hoạch kinh tế sản xuất, phân phối.

Trong xí nghiệp, công đoàn phải làm cho công nhân hiểu rõ trách nhiệm nâng cao nǎng suất lao động là nguồn của cải to lớn nhất; phải làm cho họ hiểu tình hình kinh doanh lỗ lãi, việc sử dụng công suất máy móc, việc tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, v.v., dần dần hướng họ tham gia vào mọi hoạt động của xí nghiệp, làm cho xí nghiệp ngày càng phát triển. Bởi vậy, cán bộ công đoàn chẳng những phải giỏi về chính trị, mà còn phải thạo về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung. Phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng, tạo điều kiện cho họ nắm được những hiểu biết khoa học, kỹ thuật. Nếu cán bộ công đoàn không hiểu việc họ làm, không hiểu bằng họ, thì làm sao mà lãnh đạo được.

Ví dụ: trước khi các chú lãnh đạo thợ thuyền đấu tranh đình công, biểu tình, ít ra các chú cũng phải biết cách vận động, tổ chức một cuộc biểu tình, thì mới lãnh đạo được. Bây giờ, công nhân ngày càng phát triển, lại có trình độ cả về tư tưởng, vǎn hoá, kỹ thuật…

Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được?

Bản chất của giai cấp công nhân là đoàn kết đấu tranh, cán bộ công đoàn lại không đoàn kết, thì đoàn kết sao được công nhân? Bác nghe nói, một số cán bộ công đoàn còn chưa đoàn kết tốt, thế là không đúng.

Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn. Phải kiên quyết làm cho đến nơi đến chốn. Những phần tử nào biến chất, giáo dục không được, thì kiên quyết đưa ra. Vì lợi ích của giai cấp, của cách mạng mà làm, không được vì tình cảm cá nhân mà do dự. Tất nhiên phải kiên trì, phải có kế hoạch.

Trong nội bộ tổ chức công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực.

Về việc bồi dưỡng lực lượng công nhân trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

Các chú phải nhớ công nhân trẻ tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin tưởng vào họ, thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất, đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân, bồi dưỡng vǎn hoá, khoa học, kỹ thuật và kiến thức quản lý xí nghiệp cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa “hồng” vừa “chuyên”; đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài nữa.

Các chú nhớ là phải làm cho cán bộ thật đoàn kết nhất trí, không xa rời quần chúng. Phải thấy trách nhiệm vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích cách mạng mà làm, chứ không phải vì cá nhân. Phải làm đúng như lời dạy của Lênin vĩ đại: giữ gìn sự thống nhất của Đảng như con ngươi của mắt. Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ./.

—————————————–
             (1)  V.I.Lênin: Toàn tập, Tiếng Việt, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44.- tr. 423.

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”