CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2024)
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2024)

Kết quả nổi bật trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa của CĐ Bộ VHTTDL

09:48 24-07-17

          Công đoàn Bộ VHTTDL là công đoàn cấp trên cơ sở, có hơn 6.500 đoàn viên công đoàn, với 75 công đoàn cơ sở trực thuộc. Những năm vừa qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ VHTTDL và Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam; hoạt động của Công đoàn Bộ VHTTDL đã có nhiều khởi sắc, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực; nhất là động viên đội ngũ CBCCVCNLĐ tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của ngành VHTTDL; Công đoàn Bộ đã tổ chức, triển khai được nhiều hoạt động sôi nổi, hiệu quả, thiết thực: công tác thông tin-tuyên truyền; hoạt động văn hóa-thể thao, nữ công, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động- đặc biệt là hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm tri ân gia đình có công với nước. Đó cũng là truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc ta đã được công đoàn Bộ VHTTDL duy trì trong nhiều nhiệm kỳ qua.

Trao tặng 50 triệu đồng cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương (năm 2016)

          Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,để góp phần tri ân gia đình có công với nước, ngay từ năm 1993, được sự đồng ý của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Công đoàn Tổng cục Du lịch đã nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thiểm ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (gia đình Mẹ có 3 liệt sĩ hy sinh vì nước). Tiếp sau đó vào năm 2009; Công đoàn Bộ đã nhận phụng dưỡng thêm 1 Mẹ VNAH là Mẹ Hứa Thị Tùng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (gia đình có 3 người là Liệt sĩ); sau đó năm 2011, Công đoàn Bộ đã nhận phụng dưỡng thêm 1 mẹ VNAH là Mẹ Nguyễn Thị Vạch ở huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội (Mẹ có 3 con là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ).

          1. Công đoàn Bộ tham gia xây Nhà tình nghĩa Mẹ Việt Nam Anh hùng (do Công đoàn Bộ nhận phụng dưỡng); xây Nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công với nước ở các địa phương.

          Dù kinh phí không dồi dào, hoạt động nghiệp vụ công đoàn khá nhiều việc phải tính toán, chi tiêu để đẩy mạnh phong trào chung; song lãnh đạo Công đoàn Bộ vẫn luôn quan tâm đến việc đền ơn đáp nghĩa, tri ân gia đình có công với nước. Từ thực tế đó, hàng năm vào dịp đầu xuân (Tết Nguyên đán), hay các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, như:ngày 8/3, ngày 30-4; hoặc ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12;đặc biệt là ngày Thương binh-liệt sĩ 27-7; Công đoàn Bộ đều cử đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các Mẹ VNAH, Ngoài ra, Công đoàn Bộ cũng đã trích tiền từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Công đoàn Bộ, hằng tháng, hằng năm có quà tặng cho các mẹ VNAH (với số tiền mỗinăm là 12triệu đồng/một người). Dù số tiền tuy ít ỏi, song đây cũng là nghĩa cử và tấm lòng của đoàn viên công đoàn Bộ với các Mẹ VNAH do công đoàn Bộ phụng dưỡng.

          Trong 5 năm qua (nhiệm kỳ 2013-2017), bên cạnh việc quan tâm chế độ, chính sách cho các gia đình có công với nước; Công đoàn Bộ đã quyên góp trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, đồng thời phối hợp vận động các tổ chức, đoàn thể góp phần xây dựng được gần 10 nhà tình nghĩa, với tổng số tiền là hơn 700 triệu đồng, trong đó có:

          - 03 Nhà tình nghĩa Mẹ Việt Nam Anh hùng (2 nhà tình nghĩa Mẹ VNAH ở tỉnh Quảng Nam, do Công đoàn Bộ nhận phụng dưỡng (năm 2014-2015), với trị giá hơn 150 triệu đồng;1 Nhà tình nghĩa Mẹ VNAH ở xã Minh Thanh; huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang(năm 2016)-nơi cách đây gần 70 năm, trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, Nha Thông tin tuyên truyền (tiền thân của Bộ VHTTDL ngày nay) về sơ tán, đóng quân và hoạt động; với giá trị gần 200 triệu đồng.

          - Bên cạnh tham gia xây Nhà tình nghĩa cho Mẹ VNAH ở các địa phương như vừa nêu trên; những năm qua; Công đoàn Bộ và các công đoàn cơ sở đã tổ chức tốt việc hỗ trợ xây Nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công với nước ở các địa phương, như:

          + Hỗ trợ 100 triệu đồng để xây Nhà tình nghĩa cho gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Túy (ở tỉnh Quảng Bình) năm 2015 (Liệt sĩ Nguyễn Văn Túy đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ở Đảo Gạc-Ma ngay 14 tháng 3 năm 1988).

          + Hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng “Tượng đài Chiến sĩ Gạc ma” ở tỉnh Khánh Hoà (do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động), năm 2015.

          + Hỗ trợ 110 triệu đồng để xây 2 nhà tình nghĩa, do Công đoàn Viên chức VN giới thiệu (1 Nhà tình nghĩa cho thương binh nặng ở tỉnh Cà Mau (năm 2014); 1 Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách có khó khăn đặc biệt ở tỉnh Lai Châu (năm 2017).

          + Từ năm 2013 đến năm 2017; hằng năm Công đoàn Bộ cũng đã tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây nhà tình nghĩa, xây nhà cho các Liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa (năm 1988) với Khối thi đua I (Công đoàn Viên chức Việt Nam); mỗi năm từ 5 đến 10 triệu đồng. Đồng thời hằng năm, Công đoàn Bộ đã ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương (thông qua Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), hoặc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (mỗi năm từ 20 triệu đến 30 triệu đồng).

          Bên cạnh đó, một số công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Bộ có điều kiện đã tham gia xây Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, gia đình có công với nước ở các địa phương; như: Công đoàn Công ty In Trần Phú đã ủng hộ xây nhà tình nghĩa ở tỉnh Bến Tre (150 triệu đồng); đến thăm quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú(Tỉnh Hà Tĩnh); đồng thời hỗ trợ các gia đình chính sách trên 50 triệu đồng(năm 2015).

          Công đoàn Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (năm 2015) đãủng hộ các gia đình có công với nước ở tỉnh Bến Tre, số tiền 100 triệu đồng; Công đoàn công ty In và Văn hóa phẩm các năm 2010-2015 đã hỗ trợ xây Nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng.... với tổng số tiền hàng chục triệu đồng.

          2. Công đoàn Bộ thực hiện việc “Đền ơn đáp nghĩa”; tri ân các gia đình có công với nước và các gia đình chính sách ở các địa phương.

          Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm gia đình Mẹ VNAH do công đoàn Bộ phụng dưỡng bằng các việc làm thiết thực, Công đoàn Bộ còn tích cực tham gia hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; tri ân các gia đình có công với nước và các gia đình chính sách ở các địa phương. Đó là vào dịp Tết Nguyên đán, hoặc ngày Thương binh-liệt sĩ 27-7; Công đoàn Bộ đều thường xuyên cử đoàn công tác đến một số Trại thương binh nặng ở các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang; Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ.... để thăm, tặng quà và biểu diễn văn nghệ cho các đ/c thương, bệnh binh... Những buổi biểu diễn văn nghệ và món quà tuy ít ỏi, song đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu sắc của Công đoàn Bộ với các thương-bệnh binh...

          Bên cạnh đó, một số công đoàn cơ sở đã có sáng kiến vào dịp 27-7 hằng năm; tổ chức cho đoàn viên công đoàn viếng mộ liệt sĩ, làm vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan, môi trường ở các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thủ đô. Thăm và tặng quà Mẹ VNAH và các gia đình chính sách. Một số công đoàn cơ sở đã phối hợp với Chi hội Cựu chiến binhthăm và tặng quà gia đình liệt sĩ, các đ/c thương binh trong cơ quan, đơn vị...

Nhà tình nghĩa Mẹ VNAH ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang 

          Có thể nói 5 năm qua, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân Mẹ VNAH, gia đình có công với nước, gia đình cách mạng của Công đoàn Bộ và các công đoàn cơ sở luôn là một hoạt động có nhiều ý nghĩa; được tổ chức thường xuyên; được Công đoàn Viên chức Việt Nam; Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ VHTTDL ghi nhận và đánh giá cao; Đó vừa là tình cảm, trách nhiệm của tổ chức công đoàn chúng ta; đồng thời qua đó cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng đối với đoàn viên công đoàn hôm nay. Việc làm ấy cũng thể hiện tinh thần nhân văn cao đẹp của thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh- những người đã không tiếc máu xương để đấu tranh giành độc lập-tự do cho tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là sợi chỉ hồng kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là nền tảng vững chắc, để công đoàn chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; tham gia; thực hiện tốt hơn  nhiệm vụ chính trị của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong chặng đường sắp tới./.

Ths. Nguyễn Hữu Giới,

Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”