CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Cán bộ, đoàn viên, người lao động các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Cán bộ, đoàn viên, người lao động các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!

Quyết định về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa IV

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM

Số  06/QĐ-CĐVC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

       Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế hoạt động

của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa IV

BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM

      - Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

      - Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam, ngày 23 tháng 5 năm 2013 về việc thông qua Quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra công đoàn Viên chức Việt Nam khóa IV;

      - Theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra công đoàn Viên chức Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1: Ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Điều 2: Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam; Văn phòng, các Ban Công đoàn Viên chức Việt Nam và công đoàn các cấp trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nơi nhận:

- Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN (để báo cáo);

- Ủy ban Kiểm tra TLĐLĐVN (để báo cáo);

- Như điều 2 (để thực hiện);

- Lưu UBKT, VP CĐVCVN.

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

 

 

Nguyễn Thị Thu Hồng

 

 

 

 

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM

 

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

       Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2013

 

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM KHÓA IV, NHIỆM KỲ 2013 – 2018

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 06QĐ- CĐVC, ngày 10 / 6  /2013

 của Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam)

 

Chương I

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA ỦY BAN KIỂM TRA

I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1: Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam là Cơ quan kiểm tra của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam, có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Điều 2: Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công đoàn đồng cấp và cấp dưới; hướng dẫn, chỉ đạo ủy ban kiểm tra công đoàn cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam; các quy định khác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Điều 3: Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam có quyền chủ động về nội dung, thời gian, đối tượng, hình thức kiểm tra, kết luận kiểm tra và kiến nghị các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm tra nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành, các quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Điều 4: Các công đoàn trực thuộc; cán bộ, đoàn viên khi được kiểm tra có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và thực hiện đầy đủ, kịp thời các thông báo, kết luận của Ủy ban Kiểm tra.

Điều 5: Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có những quyết định hoặc hành vi trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trái với Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam, đã hoặc sẽ gây hậu quả nghiêm trọng thì Ủy ban Kiểm tra phải báo cáo ngay với Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Điều 6: Ủy ban Kiểm tra có quyền đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật những tập thể, cá nhân thuộc Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam và Ủy ban Kiểm tra các công đoàn trực thuộc.

Điều 7: Ủy ban Kiểm tra được sử dụng con dấu của Ban Chấp hành.

Điều 8: Hội nghị Ủy ban Kiểm tra có nhiệm vụ:

1. Thảo luận báo cáo, chương trình hoạt động của Ủy ban Kiểm tra để trình Ban Chấp hành.

2. Thảo luận những vấn đề về tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra (như bầu Phó Chủ nhiệm, phân công trong Ủy ban Kiểm tra); kiến nghị, đề xuất với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ những vấn đề có liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ làm việc của Ủy ban Kiểm tra.

II. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ NHIỆM, PHÓ CHỦ NHIỆM VÀ ỦY VIÊN ỦY BAN KIỂM TRA

Điều 9: Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra là người đứng đầu Ủy ban kiểm tra có trách nhiệm và quyền hạn:

1. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra về mọi mặt hoạt động của Ủy ban Kiểm tra, thay mặt Ủy ban Kiểm tra tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của ủy ban kiểm tra.

2. Triệu tập, chủ trì các hội nghị Ủy ban Kiểm tra; đề xuất chương trình hoạt động và báo cáo với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành.

3. Quản lý cán bộ chuyên trách của Ủy ban Kiểm tra theo phân cấp quản lý cán bộ của Công đoàn Viên chức Việt Nam.

4. Ký các văn bản của Ủy ban Kiểm tra và những văn bản được Ban Thường vụ ủy quyền theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Điều 10: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra giúp Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và phụ trách một số mặt công tác của Ủy ban Kiểm tra; thay mặt Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra điều hành hoạt động của Ủy ban Kiểm tra khi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra ủy quyền.

Điều 11: Các ủy viên Ủy ban Kiểm tra.

1. Có trách nhiệm tham gia các hoạt động của ủy ban kiểm tra; thực hiện những nhiệm vụ công tác do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra phân công. Được cung cấp thông tin, tài liệu, học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về công tác kiểm tra công đoàn. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra không là Ủy viên Ban Chấp hành được mời dự Hội nghị Ban Chấp hành và Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Công đoàn Viên chức Việt Nam.

2. Được thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, được dự các cuộc họp bàn về công tác kiểm tra hoặc những công việc liên quan đến công tác kiểm tra.

Chương II

NGUYÊN TẮC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CỦA ỦY BAN KIỂM TRA

I. NGUYÊN TẮC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 12: Ủy ban Kiểm tra làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách:

1. Trong các kỳ họp Ủy ban Kiểm tra, mọi thành viên của ủy ban kiểm tra được dân chủ thảo luận và quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của ủy ban kiểm tra.

2. Quyết định của Ủy ban Kiểm tra được thực hiện theo nguyên tắc đa số đồng thuận. Những ý kiến không đồng thuận được bảo lưu và báo cáo với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành nhưng khi thực hiện phải tuân theo Nghị quyết đã thông qua.

3. Trong tổ chức điều hành, chỉ đạo phải thực hiện theo các nội dung công việc đã được tập thể ủy ban kiểm tra thông qua.

4. Hội nghị thường kỳ của Ủy ban Kiểm tra được tổ chức theo hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành. Khi cần thiết có thể tổ chức hội nghị bất thường. Hội nghị ủy ban kiểm tra được tổ chức khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số ủy viên ủy ban kiểm tra dự họp; các kết luận, nghị quyết của Ủy ban Kiểm tra phải được trên một phần hai (1/2) số ủy viên dự họp tán thành.

5. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ kiểm tra trong thời gian gữa hai kỳ họp của ủy ban kiểm tra. Các ủy viên Ủy ban Kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Kiểm tra về những công việc được phân công phụ trách và thực hiện.

Điều 13: Chế độ làm việc của Ủy ban Kiểm tra

1. Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra hoặc người được Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra ủy quyền có trách nhiệm thay mặt Ủy ban Kiểm tra báo cáo các hoạt động kiểm tra công đoàn, đề xuất các nội dung, chương trình công tác của Ủy ban Kiểm tra trong các kỳ họp của Ban Chấp hành.

2. Các báo cáo và văn bản có nội dung hướng dẫn, chỉ đạo do Ủy ban Kiểm tra ban hành được gửi tới các ủy viên Ủy ban Kiểm tra và Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam.

3. Báo cáo kết luận kiểm tra đồng cấp của Ủy ban Kiểm tra được thông báo trong kỳ họp gần nhất của Ủy ban Kiểm tra và Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Ngoài các quy định trên, tùy theo yêu cầu của các cơ quan liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra có các văn bản của Ủy ban Kiểm tra gửi cho các cá nhân và các tổ chức khác.

II. MỐI QUAN HỆ CỦA ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM

Điều 14: Quan hệ với Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

1. Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Hàng năm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện hoạt động kiểm tra và đề xuất với Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng các ủy ban kiểm tra và ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp trực thuộc có thành tích trong hoạt động kiểm tra công đoàn.

Điều 15: Quan hệ với Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam:

1. Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam quyết định nhân sự Ủy ban Kiểm tra; ra nghị quyết về công tác kiểm tra và cụ thể hóa những quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2. Thông qua báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và chương trình hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra tại các kỳ họp của Ban Chấp hành để Ủy ban Kiểm tra báo cáo Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Ủy ban Kiểm tra chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam  trong việc thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành về công tác tổ chức, cán bộ, chương trình hoạt động của Ủy ban Kiểm tra. Ban Thường vụ chỉ đạo hoạt động của Ủy ban Kiểm tra giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành.

Điều 16: Quan hệ với Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam:

1. Ủy ban Kiểm tra giúp Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam; nghị quyết của   Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ủy ban Kiểm tra giúp Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức công đoàn; tham mưu cho Ban Thường vụ tham gia với các cơ quan chức năng Nhà nước giải quyết các khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

2. Ủy ban kiểm tra được quyền kiểm tra đồng cấp việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; các hoạt động kinh tế công đoàn; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Công đoàn Việt Nam và những quy định của công đoàn. Ban Thường vụ có trách nhiệm tạo điều kiện để Ủy ban Kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

Điều 17: Quan hệ với các ban thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam:

1. Ủy ban kiểm tra chủ trì hoặc phối hợp với các ban có liên quan để giúp Ban Thường vụ tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch về kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các chỉ thị, nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam.

2. Đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu có nội dung liên quan đến ban nào thì ban đó có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Kiểm tra giúp Ban Thường vụ giải quyết và tham gia giải quyết.

Điều 18: Quan hệ với các công đoàn trực thuộc:

1. Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam tham gia với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn trực thuộc kiện toàn tổ chức, nhân sự; đề xuất khen thưởng, kỷ luật (nếu có) đối với ủy ban kiểm tra và ủy viên ủy ban kiểm tra các công đoàn trực thuộc.

2. Công đoàn trực thuộc chịu sự kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

3. Công đoàn trực thuộc có trách nhiệm thực hiện các kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo với Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam để kịp thời giải quyết.

Điều 19: Quan hệ với các cơ quan Nhà nước: thực hiện theo sự ủy quyền của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20: Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra, các ban tham mưu thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam và các công đoàn trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam có trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Việc sửa đổi, bổ sung quy chế do Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam quyết định.

Điều 21: Các công đoàn trực thuộc và ủy ban kiểm tra công đoàn trực thuộc căn cứ bản quy chế này vận dụng, xây dựng quy chế hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn cấp mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam (thông qua Ủy ban Kiểm tra) xem xét, giải quyết.

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”