“...Có một Thăng Long huyền thoại
Rồng lên từ phía sông Hồng
Có một Thăng Long áo mỏng
Gió đùa quanh tấm lưng ong...”
(Thơ Đỗ Trung Lai)
Tính theo niên lịch, mùa thu này, Hà Nội của chúng ta tròn 1.008 năm tuổi. Hơn 10 thế kỷ Thăng Long - Hà Nội là một chặng đường dài của một vùng đất rất đỗi thiêng liêng, là nơi hội tụ tinh hoa và khí phách của cha ông, cũng là nơi tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Ngược dòng thời gian lịch sử, khi Tổ quốc Việt Nam ra đời, các Vua Hùng đóng đô ở Việt Trì - Phú Thọ, cùng với năm tháng dựng xây và phát triển, đánh giặc và giữ nước đã tạo nên một thời đại vững trãi dài tới 18 đời vua. Khi Âu Lạc hình thành, Kinh đô được dời về Cổ Loa với Loa Thành kiên cố và nỏ thần hiệu nghiệm chống giặc ngoại xâm, nhưng rồi thế nước suy vi, giặc kéo sang xâm lấn. Bắt đầu từ đấy, nước ta bị đô hộ và trải dài ngót một ngàn năm. Một thiên niên kỷ đầy uất hận và đau thương, nước mất thì thủ đô cũng mất. Ngót nghìn năm Bắc thuộc ấy, dẫu thành hay bại, nhân dân ta vẫn bất khuất đứng lên đấu tranh để giành độc lập. Song phải đến năm 938 bằng chiến thắng quân Nam Hán trên Bạch Đằng Giang, Ngô Vương Quyền mới rửa hận nghìn thu cho dân tộc ta, giành lại độc lập thật sự cho nước nhà.
Cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đầu thiên niên kỷ thứ hai là thời điểm nước ta chuẩn bị bước sang một vận hội mới. Và lịch sử cũng đã trao cho vương triều Lý một sứ mệnh lớn lao là không chỉ phải giữ yên bờ cõi, giang sơn, mà còn cần hơn là phải đẩy nhanh tiến trình dựng xây đất nước, làm cho nước nhà mau cường thịnh. Với một tư duy đổi mới, một quyết định sáng suốt tuyệt vời, Thái tổ Lý Công Uẩn - ông vua khai sáng triều đại Nhà Lý - đã quyết định rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Cũng từ mùa Thu ấy (1010), Thăng Long chính thức được ghi vào sử sách của dân tộc với biết bao huyền thoại đẹp đẽ, nhiều chiến tích vẻ vang và khởi nguồn cho một bước chuyển mình thịnh vượng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Thăng Long huyền thoại không chỉ là nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Thánh Gióng với sức mạnh của “chàng trai Phù Đổng”, mà còn là quê hương của hai Bà Trưng, người đã “phất cờ Mê Linh” năm xưa. Thăng Long ngày ấy với huyền thoại nỏ thần đã làm cho quân giặc biết bao điêu dứng. Thăng Long ngày ấy cũng chính là nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt với bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên, bằng những vần thơ hào sảng bên dòng sông Như Nguyệt “Nam quốc sơn hà, nam đế cư....”. Huyền thọai Thăng Long không chỉ một lần mà đã ba lần chứng kiến vua tôi nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên - Mông, với Hội nghị Diên Hồng đi vào lịch sử. Trang sử vàng ngày ấy cũng còn ghi dấu cái ngày cuối mùa đông năm 1427, khi bè lũ bại binh Vương Thông lếch thếch kéo nhau ra phía Cửa Nam thành Thăng Long, tuyên thệ trước người anh hùng Lê Lợi và nhân dân chiến thắng, xin rút quân về nước. Hào khí Thăng Long còn gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. Chắc trong chúng ta chưa ai quên được trận chiến thắng vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, xuân lửa Thăng Long đã đốt cháy trại giặc Thanh, giải phòng hoàn toàn đất nước.
Quang cảnh Hồ Gươm-Tháp Rùa, một biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến (ảnh Interrnet)
Truyền thống Thăng Long lại được hun đúc và toả sáng trong thế kỷ XX, bắt đầu từ Kỷ nguyên mới của dân tộc ta/Thời đại Hồ Chí Minh. Ngày 19-8-1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh – người dân Hà Nội đã vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ ngót tám mươi năm. Cũng lại chính Thủ đô Hà Nội tối 19-12-1946 đã nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc. 60 ngày đêm khói lửa năm ấy của đồng bào Thủ đô cũng đã để lại biết bao huyền thoại với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân tộc. Khí phách ấy, tinh thần ấy lại được phát huy cao độ 26 năm sau vào Tháng Chạp năm 1972, chỉ với một trận “Điện Biên phủ trên không”, Hà Nội ta đã bẻ gục nhiều pháo đài bay B52 của giặc Mỹ, làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè yêu chuộng hoà bình khắp năm châu.
Hào khí Thăng Long năm xưa đã và đang được nhân dân thủ đô phát huy tích cực trong xây dựng cuộc sống hôm nay. Sau hơn bốn thập kỷ chấm dứt chiến tranh, nhất là thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội đã từng bước đổi thay, từng ngày lớn mạnh. Từ một thủ đô nghèo nàn, lạc hậu và đổ nát sau chiến tranh, với sức mạnh thần kỳ, Hà Nội đã vươn mình đứng dậy. Tăng trưởng kinh tế hơn ba thập kỷ đổi mới vừa qua, liên tục đạt từ 8 đến 12%/ năm. Cơ cấu kinh tế đang có bước chuyển quan trọng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ đáng kể. Đường phố Hà Nội hôm nay ngày càng khang trang hơn, thông thoáng và sạch đẹp hơn, hiện đại hơn so với những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, làm cho những người đi xa Hà Nội, nay trở về đã thấy mới lạ. Đời sống của đại bộ phận nhân dân Thủ đô đã được cải thiện rõ rệt.
Một góc Thủ đô Hà Nội hiện đại hôm nay (Ảnh Internet)
Chuẩn bị bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, đồng bào Thủ đô đang cùng với các ngành, các cấp nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và nhất là Nghị quyết 11–NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011- 2020”, để sao cho: “Trong 10 năm tới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước; có kinh tế-xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, phấn đấu trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô anh hùng, thành phố vì hoà bình ” mà UNESCO đã vinh danh và trao tặng cho Hà Nội năm 1999.
Ths. Nguyễn Hữu Giới