Tới dự Hội thảo, về phía Công đoàn Viên chức Việt Nam có đồng chí Nguyễn Giang Tuệ Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng sự tham dự của các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành và Ủy viên Ủy ban kiểm tra Công đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; các đồng chí là ủy viên ban chấp hành công đoàn các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Địa lí Nhân văn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Phạm Minh Phúc đã nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu tham dự Hội thảo và bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ là diễn đàn hữu ích để các đoàn viên công đoàn, các công đoàn trực thuộc Công đoàn Viện có cơ hội trao đổi trực tiếp các vấn đề nghiên cứu. Qua đó, cung cấp thêm cơ sở lý luận vững chắc, hỗ trợ tốt công tác tư vấn chính sách, thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, không chỉ trong toàn Viện mà còn hướng tới mọi người dân nhằm thay đổi thái độ, thói quen tiêu dùng và thải bỏ rác thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn, giảm thiểu, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp. Đồng thời nâng cao năng lực giám sát, phản biện, tham vấn của tổ chức công đoàn, tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát về hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ quan, đơn vị, từ đó, khẳng định vai trò, trách nhiệm của Viện trong công tác bảo vệ môi trường và nỗ lực phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lí Nhân văn chia sẻ Hội thảo đã nhận được 12 báo cáo tham luận của nhiều nhà khoa học đến từ các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam như: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Theo đó, các báo cáo đã tổng quan được rất nhiều vấn đề liên quan đến Văn phòng xanh, nổi bật là các vấn đề như ô nhiễm chất thải nhựa; mua sắm công xanh và thiết kế xanh; các giải pháp hướng đến xây dựng văn phòng xanh...
Có thể khẳng định, các tham luận được trao đổi tại Hội thảo như: Chất thải nhựa ô nhiễm môi trường - giải pháp giảm thiểu (GS.TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam); Thiết kế xanh và mua sắm công xanh: Thực trạng và giải pháp (NCS. Hà Huy Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Địa lí Nhân văn); Cơ sở thực hiện Văn phòng xanh ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (TS. Trần Thị Tuyết, Ủy viên BCH Công đoàn Viện Hàn lâm); Giải pháp hướng tới Văn phòng xanh (TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Viện Địa lí Nhân văn) đã góp phần phác họa bức tranh tổng thể về môi trường và những hệ lụy đang nổi lên hiện nay. Qua đó có thể thấy quá trình phát triển kinh tế toàn cầu đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của con người. Vì vậy, hướng tới nền kinh tế xanh là lựa chọn cần thiết. Mô hình Văn phòng xanh trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, được xem là một mô hình đem lại lợi ích cho các cơ quan, doanh nghiệp. Thông qua các lợi ích trước mắt như tiết kiệm chi phí tiêu hao năng lượng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng nhân viên thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin; nâng cao hình ảnh của cơ quan, doanh nghiệp, vai trò của nhà nước trong việc đầu tư Khoa học Công nghệ, ban hành các tiêu chuẩn trong các hoạt động mua sắm công xanh, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính thông qua việc sử dụng phương tiện, tiêu dùng xanh, xây dựng hệ thống tái chế, tái sử dụng sản phẩm… là những kiến nghị rất cụ thể được đề cập tới trong các tham luận tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Giang Tuệ Minh cho rằng việc tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới Văn phòng xanh” là một trong những hoạt động thiết thực, cụ thể, phù hợp với đặc thù cơ quan, đơn vị, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện về bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống, đồng thời giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường, đồng thời đánh giá cao chất lượng học thuật được thể hiện tại Hội thảo và hy vọng, các thông tin từ các diễn giả không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức cho đoàn viên, CBCCVCLĐ của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về các vấn đề Văn phòng xanh mà sẽ trở thành nhiệm vụ, từ nhận thức biến thành hành động, là tiền đề để Công đoàn Viên chức Việt Nam có thêm cơ sở kết hợp, phát động các hoạt động phong trào thiết thực, hướng đến việc tuyên truyền bảo vệ môi trường trong thời gian sắp tới, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động công đoàn, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của Viện Địa lí nhân văn nói riêng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói chung trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
VP CĐ