1. Bãi bỏ 11 Thông tư về tiền lương, bảo hiểm xã hội
Cụ thể, Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH đã bãi bỏ 11 Thông tư về tiền lương, bảo hiểm xã hội sau:
- Thông tư 28/2005/TT-LĐTBXH ngày 04/10/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng 05 công trình thủy điện.
- Thông tư 12/2007/TT-LĐTBXH ngày 02/8/2007 hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng công trình thủy điện.
- Thông tư 37/2009/TT-LĐTBXH ngày 16/11/2009 hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Sơn La.
- Thông tư 03/2011/TT-BLĐTBXH ngày 29/01/2011 hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và Đồng Nai 5.
- Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
- Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/7/2016 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP ngày 15/06/2016 của Chính phủ.
- Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 18/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 8 điều 1 Nghị định 76/2017/NĐ-CP ngày 30/6/2017 của Chính phủ.
- Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.
2. 3 nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương CBCCVC Nhà nước quy định
Tại Điều 5 Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quy định tăng thu nhập từ tiền lương cho các đối tượng sau đây:
a) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
b) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
c) Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Theo đó, ba đối tượng này sẽ được hưởng tiền lương bằng 1,8 lần mức lương với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Điều kiện để được hưởng mức tăng lương 0,8 lần so với thông thường là:
- Phải trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thuộc một trong các đối tượng nêu trên.
Đặc biệt, tiền lương được tăng thêm 0,8 lần nêu trên không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và phụ cấp làm thêm hoặc làm thêm giờ.
Đồng thời, cũng không dùng số tiền tăng thêm để tính đóng hay hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đóng phí công đoàn.
Thời điểm áp dụng là từ 10/11/2022 và chấm dứt việc tăng thêm là khi thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong các lực lượng vũ trang nhân dân hoặc người lao động trong doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Như vậy, chỉ có 03 nhóm cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Bảo hiểm xã hội nêu trên mới thuộc đối tượng được tăng thêm 0,8 lần tiền lương so với bình thường.
3. Cán bộ thuộc 11 lĩnh vực sau khi thôi giữ chức vụ từ 1-2 năm mới được thành lập, quản lý doanh nghiệp
Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là:
1- Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
2- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
4- Quản lý nhà nước về hải quan.
5- Quản lý nhà nước về giá.
6- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
7- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
8- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
9- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
10- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.
11- Quản lý nhà nước về tài sản công.
Bách Chi (TH)