Tham dự Hội nghị tập huấn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Bộ; Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Bộ; đại diện các Công đoàn trực thuộc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Tường Thu cho biết, trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp to lớn góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển, phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Hội nghị tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ công tác công đoàn có ý nghĩa thiết thực đối với từng cán bộ các cấp Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, góp phần nâng cao nhận thức, nghiệp vụ chuyên môn của từng cán bộ trong công tác công đoàn, giúp các tổ chức, cán bộ công đoàn trong việc xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đồng chí Lê Thị Tường Thu đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập huấn trực tuyến cần tập trung theo dõi đầy đủ và nắm chắc những nội dung cơ bản để sau Hội nghị tập huấn có thể vận dụng và nâng cao chất lượng hoạt động của công tác công đoàn tại cơ quan, đơn vị của mình.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Báo cáo viên, TS. Nguyễn Văn Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam giới thiệu hai chuyên đề: Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
TS. Nguyễn Văn Đông cho biết, tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Đảng ta đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp đó là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tính hình mới; Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.
Về chuyên đề Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua phối hợp thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức công đoàn ngày càng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chức năng tham gia quản lý, đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng được nâng lên./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư