Quang cảnh hội nghị
Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động; Các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam: Trần Thị Kim Anh, Thái Hoài Nam; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch công đoàn, Giám đốc Trung tâm An toàn lao động thuộc Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động và lãnh đạo, đại diện các ban, văn phòng Công đoàn Viên chức Việt Nam, đại diện phòng Kế hoạch - Tài chính Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.
Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam phát biểu tại hội nghị (bên phải)
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đông đã khái quát tình hình về ATVSLĐ tại công đoàn trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam và sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Luật ATVSLĐ năm 2015 và các văn bản hướng dẫn, cùng các chế độ, chính sách về ATVSLĐ đã đi vào thực tiễn, tạo chuyển biến đáng kể về nhận thức và ý thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng chí bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, công tác ATVSLĐ sẽ có những hoạt động đột phá mới, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Viên chức Việt Nam và đặc thù đoàn viên thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Thơ cho biết, Luật ATVSLĐ năm 2015 giao trách nhiệm cho tổ chức công đoàn triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kiến nghị các giải pháp chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Theo đồng chí Nguyễn Anh Thơ, hiện nay, một số ngành, lĩnh vực chưa có những nghiên cứu, đánh giá về an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường lao động. Một số vấn đề cấp bách về ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe người lao động cần giải quyết trong thời gian tới là đánh giá đúng về vấn đề sức khỏe thể lực, sức khỏe tinh thần và xã hội của người lao động; giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc, đặc biệt là đối với các ngành nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ như chuyên viên phần mềm máy tính hay những vị trí việc làm đòi hỏi chịu được cường độ, áp lực công việc cao như cán bộ, chuyên viên làm việc tại các cơ quan bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương;… ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết người trong các lĩnh vực như điện ảnh, truyền hình, in ấn, khai khoáng, hóa chất…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về về khả năng phối hợp triển khai các hoạt động trong thời gian tới phù hợp chức năng, nhiệm vụ và ưu thế của hai bên trong công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện khảo sát thực trạng ATVSLĐ và ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động tập huấn ATVSLĐ nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Kết thúc hội nghị, Hai cơ quan thống nhất một số hoạt động dự kiến phối hợp triển khai trong thời gian tới gồm: tổ chức khảo sát thực trạng ATVSLĐ tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có công đoàn thuộc hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam; tổ chức các đợt tập huấn về ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn, đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam; trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp. Hội nghị trao đổi, đề xuất các các hoạt động khoa học công nghệ và tập huấn về công tác ATVSLĐ là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024 và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ trong thời gian tới, đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tham gia thực hiện công tác này./.
Việt Hương