Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết: Theo chương trình xây dựng chính sách pháp luật năm 2020 – 2021, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020), thông qua tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV vào năm 2021 để phù hợp với Bộ luật Lao động 2019 vừa được ban hành và sự hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, phê chuẩn nhiều công ước quốc tế. Lần đầu tiên một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị đã có sự cạnh tranh gay gắt và trực tiếp… Bối cảnh này đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức do vậy, đồng chí cũng đề nghị các đại biểu cùng đóng góp các ý kiến và gợi ý các vấn đề để hoàn thiện dự thảo.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Đình Quảng – Phó Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu tổng quan về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn để các đại biểu đóng góp ý kiến. Theo đó, nhiều đại biểu tham dự cho rằng: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cần đặt vấn đề bảo vệ cán bộ công đoàn và giải quyết những vấn đề "bức xúc" của tổ chức công đoàn. Về tài chính công đoàn (điều 26 Luật Công đoàn 2012), bao gồm cả kinh phí công đoàn 2%, Dự án phải làm rõ nội dung chi tại cơ sở, nhất là cho công tác chăm lo trực tiếp cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trách nhiệm của cán bộ công đoàn là phải giải thích để các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội hiểu rõ những nội dung về chi tài chính công đoàn tại cơ sở…. Đồng thời với đó là việc quy định về phân phối tài chính. Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia Hội thảo còn đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan vào báo cáo tác động, trong đó có tác động của thu kinh phí công đoàn đối với người lao động, người sử dụng lao động…. Ngoài ra, một số Điều, khoản đã rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện, vẫn còn phù hợp thì giữ nguyên, đồng thời sửa đổi, bổ sung những nội dung nhằm phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và có lợi cho đoàn viên, người lao động; thảo luận để đưa ra các nguyên tắc trong phân chia tỉ lệ kinh phí công đoàn giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; xác định trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn trong kiểm soát quyền lực của Nhà nước để bổ sung quyền kiểm tra giám sát, phản biện xã hội của công đoàn.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cảm ơn những ý kiến góp ý thẳng thắn, có giá trị lý luận và thực tiễn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài hệ thống công đoàn; đại diện các bộ, ban, ngành Trung Ương và các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật. Tổng LĐLĐ VN sẽ tiếp thu tối đa để phân tích, đánh giá, thiết kế vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
DVD