CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Cán bộ, đoàn viên, người lao động các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Cán bộ, đoàn viên, người lao động các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!

Hội thảo Khoa học Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh

05:37 29-04-22

Ngày 26/4/2022, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức Hội thảo Khoa học Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh dưới sự chủ trì của đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn. Tham dự hội thảo có các chuyên gia của Tổng Liên đoàn, Viện Công nhân và Công đoàn, đại diện của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương tham gia bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết: hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến xoay quanh mối quan hệ giữa tăng lương và phục hồi, phát triển kinh tế. Tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi nó giúp người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn. Chủ đề hội thảo sẽ lý giải, tìm ra câu trả lời dư luận rằng tăng lương có ý nghĩa như thế nào đối với ổn định thị trường lao động và phát triển kinh tế hiện nay. Giá trị của hội thảo không chỉ nhằm trả lời câu hỏi đang quan tâm của dư luận, mà còn là căn cứ để Tổng LĐLĐVN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách đối với người lao động những năm tiếp theo; tiền lương phải tương xứng với sự cống hiến của người lao động.

TS Vũ Minh Tiến đánh giá nhận định: Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của công nhân lao động, thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tiền lương với công nhân lao động phải là yếu tố đi trước. Nhưng thực tiễn thực hiện thì công nhân lao động có việc làm, cuộc sống bấp bênh từ hậu quả lương thấp. TS Vũ Minh Tiến nhấn mạnh: “Sống để làm việc chứ không phải làm việc để sống”. Tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn từ số liệu thống kê cho thấy, công nhân lao động trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Tuy nhiên, còn đó nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.

Theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn năm 2020, có tới 66% công nhân lao động hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan… Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng LĐLĐVN thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ. Do vậy, CNLĐ phải được bảo đảm cuộc sống - sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống và họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình.

Tại hội thảo, Đồng chí Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn - bày tỏ: Phải giải quyết được vấn đề lương mới ngăn chặn được “chảy máu chất xám”. Mặt khác, hiện nay, tiền lương thấp nên khả năng giúp người lao động tự đào tạo, tham gia chương trình đào tạo là rất khó. Vì không đào tạo được nên lao động đa số có trình độ thấp…

Thái Hòa

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”