Bác Hồ sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đồng thời là người đặt nền móng tư tưởng và lý luận về tổ chức và hoạt động Công đoàn. Trong cuốn “Đường Kách mệnh” Bác viết năm 1927, chương đầu nói về các tổ chức cách mạng là “Các tổ chức Công hội” và các hoạt động của nó. Nếu ngược dòng lịch sử thì vào năm 20 của thế kỉ này, người đã thành lập ra Hội liên hiệp thuộc địa nhằm đoàn kết những người lao động bị áp bức ở các nước thuộc địa, một tổ chức liên minh của công nhân, cần lao. Lúc hoạt động bí mật cũng như công khai, ở ngoài nước cũng như trong nước, Bác theo dõi sát sao phong trào công nhân cũng như hoạt động công đoàn của nước ta, Bác đã kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng những người tốt, việc tốt trong công nhân và chỉ ra những sai lầm, thiếu sót của công đoàn phải sửa chữa. Những phong trào mang tên “Ba điểm cao” (Năng suất, chất lượng, tiết kiệm), “ Một người làm việc bằng hai, vì Miền Nam ruột thịt” được Bác phát động mãi mãi là nét son trong phong trào công nhân Miền Bắc thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà .Những cuốn sách bỏ túi “ Công nhân với Bác Hồ” chọn lọc những bài viết về “Người tốt, việc tốt” trong công nhân do Bác Hồ khởi xướng, mãi mãi là những tấm gương sáng cho các thế hệ công nhân học tập, noi theo. Bác đến với công nhân không phải là với tư cách người lãnh tụ, người bề trên đối với cấp dưới mà như người cha đối với người con cùng chí hướng, cùng giai cấp đến với nhau. Trong 15 năm (1945 - 1969), người đã đến xí nghiệp, công trường không ít 30 lần, đến đâu Bác cũng xem xét nơi ăn, chốn ở, điều kiện làm việc và sản xuất của công nhân, rồi mới gặp gỡ nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà máy, công trường.
Gần đây có dịp gặp lại và hỏi chuyện một số công nhân đã được Bác đến thăm hoặc từng được găp Bác đều nhắc lại ấn tượng sâu sắc bởi lời nói giản dị dễ hiểu, tận tình nhưng sâu sắc trở thành lẽ sống của người công nhân. Khi nói về “Lao động là vinh quang” Bác đã tự lấy mình để nói về người lao động: “Nếu nấu ăn hay quét rác mà làm tốt nhiệm vụ của mình thì cũng vẻ vang như Chủ tịch nước”. Nói về tiết kiệm Bác dùng hình ảnh: “Tăng gia sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”. Nói về dân chủ và kỷ luật, Bác cũng dùng hình ảnh như cái nhà có cửa và có khóa. Cửa không có khóa thì ai muốn vào thì vào, ra thì ra. Nói về quan hệ giữa sản xuất và đời sống, Bác dùng hình ảnh “ Nước và thuyền. Nước là sản xuất, thuyền là đời sống.Nước lên thì thuyền lên”. Nói về trách nhiệm người công nhân, Bác nhấn mạnh: “Công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp chủ nhà nước và làm chủ là phải cố gắng làm việc, chứ không phải ăn no ngủ say”. Nói về dân chủ quản lý xí nghiệp, Bác nêu phương châm “Công nhân tham gia quản lý, cán bộ tham gia sản xuất”. Nói về mối quan hệ giữa Đảng và giai cấp công nhân, Bác nêu lên có tính chất nguyên lý “Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì”. Những tình cảm của Bác Hồ với công nhân cho thấy rằng mặc dù Bác “đi xa” 42 năm nay, nhưng công nhân lao động vẫn cảm thấy như Bác luôn ở bên mình, theo dõi từng bước đi, chăm sóc và dạy bảo mình.
Đối với Công đoàn, Bác cũng dành sự quan tâm lớn. Lúc chính quyền dân chủ nhân dân mới được một năm rưỡi, trong sắc lệnh số 29 /SL do Chủ tịch nước kí ngày 12/3/1947 quy định người làm công, đã có 22 điều nói về công đoàn. Năm 1957, sau khi miển Bắc chuẩn bị vào quá độ xây dựng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chủ tịch đã kí sắc lệnh số 108 (ngày 05/11/1957) ban hành Luật Công đoàn do Quốc hội khóa I thông qua . Đó là chỗ dựa pháp lý đầu tiên để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong chế độ mới, mà sau đó được văn kiện cơ bản của Đảng và của Nhà nước (Hiến pháp, Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn) kế tục và phát triển.
Bác luôn coi vai trò của tổ chức Công đoàn là một nhân tố quyết định để “Giai cấp công nhân tự giải phóng mình khỏi mọi áp bức bóc lột” và “Thực hiện quyền làm chủ xí nghiệp, làm chủ nước nhà” và “ muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”.
Nói đến công nhân là Bác gắn với Công đoàn; Nói về Công đoàn bao giờ Bác cũng nói đến vai trò và trách nhiệm của cán bộ Công đoàn. Bởi theo Bác “ Công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng say sản xuất hay không, đời sống vật chất và văn hóa có khá không; đó là những tiêu chuẩn để biết cán bộ Công đoàn tốt hay không”. Muốn “ Công nhân trở thành người xã hội chủ nghĩa, thì cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa”.
Quên sao được và cảm động biết bao đối với các thế hệ hoạt động trong phong trào Công đoàn là đúng 45 ngày trước lúc Người “ ra đi”, khi mà sức khỏe Bác rất yếu, Bác đã dành trọn buổi gặp và nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công Đoàn Việt Nam. Với giọng nói ân tình gần như di chúc riêng cho cán bộ Công đoàn: “Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”, mọi người phải thấm nhuần sâu sắc ý chí làm chủ tập thể và đạo đức cách mạng “mình vì mọi người”, “ cán bộ công đoàn phải thấy hết trách nhiệm trước trước nhân dân, trước xã hội…”, “ Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống..v.v..” . Muốn thế, “Cán bộ Công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học kĩ thuật”; “ Phải tham gia lao động, gần gũi với công nhân, viên chức” ; “ Phải đoàn kết nhất trí”, “ Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ”; “ Giai cấp công nhân có quyền bầu ra thì cũng có quyền bãi miễn họ”, “ Những phần tử nào biến chất, giáo dục không được, thì phải quyết đưa ra. Vì lợi ích của giai cấp, của cách mạng mà làm”.
Hồi tưởng lại những lời nói của Bác Hồ về giai cấp công nhân và Công đoàn mà tư tưởng của Bác chứa dựng ở trong vẫn giữ nguyên giá trị và tính thực tiễn sống động. Đó là làm sao giai cấp công nhân tiếp tục phát huy được vai trò tiên phong cách mạng và lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong công nghiệp hóa , hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là làm sao để tổ chức công đoàn tập hợp, đoàn kết được đông đảo công nhân, lao động các thành phần kinh tế, làm chỗ dựa tin cậy của Đảng và nhà nước trong tiến trình tiếp tục đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; và chăm lo và bảo vệ được thực sự quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động. Cán bộ công đoàn phải thực sự tiêu biểu và đại diện được nguyện vọng, lợi ích người lao động, trưởng thành từ phong trào công nhân, lao động và gắn kết với người lao động, sống cuộc sống của người lao động.
Văn Thanh