Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Hằng năm, các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn luôn xảy ra đã để lại những tổn thất nặng nề về tính mạng lẫn tài sản của người lao động, cụ thể: Theo thống kê, giai đoạn từ năm 1996 - 2005, trung bình có 2.600 vụ TNLĐ/năm, số người chết 260 người/năm. Đến giai đoạn 2006-2015 đã tăng lên trên 200%, trung bình có 6.000 vụ TNLĐ/năm, số người chết là khoảng 600 người/năm. Giai đoạn 2016-2018, trung bình có 8.700 vụ TNLĐ/năm và có 945 người chết/năm, trong đó, khu vực không có quan hệ lao động có trung bình 850 vụ TNLĐ/năm, làm 280 người chết/năm. Thiệt hại về vật chất cho công tác điều trị, bồi thường, trợ cấp cho người lao động bị TNLĐ và thiệt hại về tài sản là gần 1.500 tỉ đồng/năm. Tổng số ngày công nghỉ vì TNLĐ trên 120 nghìn ngày/năm.
Ngoài ra, theo Cục An toàn lao động, riêng trong năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ, làm 8.229 người bị nạn, gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; trong đó, tình hình TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động giảm so với năm 2017 cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người, tuy nhiên, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tăng 18,6% so với năm 2017.
Trong bối cảnh tình hình an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thì số TNLĐ và số người chết do TNLĐ luôn tăng, nhiều chuyên gia, đại biểu tại hội thảo cũng chỉ ra rằng việc TNLĐ gia tăng là do thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi của người lao động chưa hợp lý. Sức lao động của người lao động trong một ngày làm việc có những biến đổi nhất định, mang tính quy luật và được gọi là chu kỳ sức lao động. Trong một ngày làm việc, sức lao động biến đổi qua 3 giai đoạn và TNLĐ hay xảy ra vào khoảng gần giờ nghỉ giữa ca (trưa) và cuối ca làm việc (chiều). Khi đó, sức lao động của con người thường rơi vào những trạng thái thần kinh, tâm lý không tập trung và đạt tới giới hạn mệt mỏi. Bên cạnh đó, môi trường làm việc thiếu quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ để phù hợp cho từng ngành nghề cũng là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Trần Hải - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động - cho rằng: Ngoài những nguyên nhân trên, hiện nay, trong các doanh nghiệp, việc xây dựng văn hóa ATVSLĐ và văn hóa phòng ngừa an toàn và sức khỏe để đảm bảo ATVSLĐ chưa được nhân rộng. Đó là văn hóa mà quyền được làm việc trong môi trường an toàn và sức khỏe được tôn trọng ở tất cả các cấp, trong đó, chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động tham gia tích cực nhằm đảm bảo môi trường an toàn và sức khỏe thông qua hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được quy định và nơi mà nguyên tắc phòng ngừa được ưu tiên cao nhất. Tiến sĩ Đỗ Trần Hải cũng nhấn mạnh: “Để giảm thiểu TNLĐ, trong thời gian tới cần xây dựng và nhân rộng văn hóa ATVSLĐ trên cả nước, trong đó, các cơ quan Nhà nước và tổ chức Công đoàn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo một môi trường làm việc an toàn, ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để duy trì khả năng làm việc của người lao động, nâng cao năng suất lao động,v.v...”.
BLĐ