CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!

Những tiền đề để Việt Nam phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư

14:24 29-11-17

          Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Công nghiệp 4.0) đang diễn ra. Mặc dù không cảm nhận rõ nét nhưng thực sự Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng này. Điều đáng lo ngại là khi cảm nhận được rõ ràng, thì Việt Nam có thể không kịp ứng phó. Sự thay đổi mà Công nghệ 4.0 mang lại sẽ biến đổi hoàn toàn môi trường sống và làm việc của con người, khác hẳn so với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.Nếu ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây chỉ tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp, thì Công nghiệp 4.0 còn làm thay đổi căn bản cả trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ và tạo ra sự kết nối giữa các lĩnh vực với nhau. Dường như sẽ không còn ranh giới rõ ràng giữa các lĩnh vực.

          Những đặc trưng của Công nghiệp 4.0

          Điển hình của Công nghiệp 4.0 là sự ra đời của trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence- AI), điện toán đám mây (crowd computing), dữ liệu lớn (big data), công cụ kết nối con người (people-to-people networking), môi trường thực và ảo, và sự kết nối vạn vật (internet of things).

          Nếu Công nghiệp 1.0 ra đời động cơ hơi nước, tạo cho nền sản xuất được cơ giới hóa một phần, từ đó giải phóng một phần sức lao động của con người; Công nghiệp 2.0 tạo ra nền sản xuất hàng loạt và giải phóng phần lớn sức lao động cơ bắp của con người nhờ sự ra đời của năng lượng điện, thì Công nghiệp 3.0 giải phóng cơ bản sức sản xuất của con người và đặt nền móng cho sự ra đời của Công nghiệp 4.0.

          Trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với điện toán đám mây và dữ liệu lớn đưa đến một phương thức cải tiến/đổi mới dựa trên nền cái cũ. Trí tuệ nhân tạo có thể làm cho các thuật toán, dựa trên các công thức toán đã có, tạo ra các thuật toán phức hợp để tính toán các phép tính phức hợp với tốc độ tính nhanh hơn gấp bội lần tốc độ tính toán của con người. Trong sáng tác âm nhạc, trí tuệ nhân tạo có thể xử lý tìm ra quy luật chung của hàng nghìn hàng vạn bài hát, làn điệu, ca từ được ưa chuộng, để từ đó sáng tạo ra các bài hát mới theo phong cách của các ca sĩ ưa thích dựa trên nền các bài hát đã có. Hay trong lĩnh vực kiến trúc, trên nền dữ liệu lớn các kiến trúc đã có, trí tuệ nhân tạo có thể xử lý tìm ra phong cách và kỹ thuật kiến trúc phù hợp nhất, tối ưu nhất trong những không gian đã định sẵn theo phong cách mà con người ưa thích. Ngay cả trong lĩnh vực khám chữa bệnh, với việc lướt duyệt hồ sơ điều trị của hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu bệnh nhân dựa trên triệu chứng mô tả, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người giúp sàng lọc nhanh chóng để lựa chọn phương án tối ưu cho điều trị một căn bệnh nào đó. Trí tuệ nhân tạo kết hợp với con người “chuyên gia” sẽ tìm ra giải pháp hiệu quả nhất cho mọi vấn đề với điều kiện con người đó phải am hiểu chuyên sâu và phải sáng tạo hơn máy óc. Trí tuệ nhân tạo kết với với robot có thể tạo ra việc làm mới thay thế việc làm cũ trong rất nhiều lĩnh vực như nhân viên tiếp thị, nhà hàng, khách sạn, nhân viên bán hàng, nhân viên trực tổng đài, thủ quỹ, kế toán, kiến trúc sư, lái xe, bác sĩ…. Robot tự động hóa hoàn toàn có thể thay thế việc làm trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp hàng loạt như ô tô, điện tử, dệt may, da giày,vv… Để làm việc trong những lĩnh vực này,con người đòi hỏi phải thông minh hơn và sáng tạo hơn robot, và cải tiến cả robot. Mới đây, tháng 10/2017, nữ robot Sophia, lần đầu tiên, được công nhân quyền công dân ở Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia). Robot Sophia có thể thể hiện 62sắc thái/biểu cảm gương mặt và quan trọng là có thể xử lý hình ảnh, lời nói sao chép lại trong quá trình tương tác với con người để ứng dụng phù hợp và thông minh hơn trong các tình huống giao tiếp khác. Điều này đặt ra vấn đề về sự cạnh tranh giữa con người và robot trong thế giới của con người.

(Người máy nhân tạo)

          Với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và công cụ tìm kiếm như google, yahoo,… tri thức không còn là quyền lực mà lựa chọn tri thức và xử lý tri thức phục vụ mục tiêu của con người mới là quyền lực.

          Các công cụ kết nối con người như facebook, twitter, zalo, Instragram,… tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quản lý thông tin và quản lý con người. Vì vậy, các lý thuyết về quản lý con người trực diện thông qua tiếp xúc trực tiếp sẽ trở nên không hoàn toàn phù hợp trong thế giới số. Mỗi con người trong thời kỳ Công nghiệp 4.0 sẽ có hai nhân thân: một nhân thân thực và một nhân thân ảo. Đạo đức con người không chỉ được đánh giá ở trong cuộc sống thực mà còn được nhìn nhận từ khía cạnh đồng nhất giữa nhân thân thực với nhân thân ảo để đánh giá chính xác một con người. Việc quản lý con người không chỉ dựa trên nhân thân thực, mà còn phải phân tích các dữ liệu thật giả lẫn lộn nhân thân thực tạo ra cho nhân thân ảo trên mạng. Phương thức giao tiếp trên mạng thông qua nhân thân ảo đòi hỏi phải kết nối với nhận diện nhân thân thực. Điều này khá là thách thức khi chưa có một cơ chế quản lý tiêu chuẩn đạo đức về cung cấp thông tin cá nhân trên mạng, làm cho việc đánh giá chính xác con người trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

          Các công cụ kết nối con người không chỉ kết nối về quan hệ mà còn kết nối về cảm xúc. Cảm xúc sẻ chia, cảm xúc nhân lên. Sự tức giận của một người hoặc một nhóm người có thể lan rộng ra sự tức giận của toàn xã hội, thậm trí toàn cầu, từ đó làm thay đổi chính sách và quyết định của bộ máy quản lý. Điển hình là vụ việc chặt cây cổ thụ ở Hà Nội cách đây vài năm phải dừng lại do áp lực từ phía cộng đồng mạng kết nối. Môi trường thực và ảo sẽ có sự tương tác với nhau để tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của con người.

          Internet vạn vật là một bước tiếp ngoạn mục của Công nghiệp 4.0. Không chỉ con người kết nối với nhau, mà con người còn kết nối với vạn vật, và vật kết nối với vật thông qua các bộ cảm ứng và công nghệ tự động hóa hoàn toàn. Điều này tạo cảm tưởng: con người trở nên dư thừa khi các thiết bị tự báo hiệu cho nhau, tương tác với nhau và tương tác với môi trường. Ngôi nhà thông minh, tự bật và tắt đèn khi cảm nhận nhiệt của con người, tự bật, tắt và điều chỉnh nhiệt độ trong phòng cho phù hợp với nhiệt độ và sức khỏe của con người, tự báo hiệu và tự dập lửa khi có biểu hiện cháy nổ, tự nạp năng lượng của tự nhiên để tạo ra năng lượng cho ngôi nhà và bảo vệ môi trường, nhờ giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Máy in 3D là một thành tựu điển hình của Internet vạn vật, với cơ chế kết nối tự động từ khâu nguyên liệu đầu vào, qua các khâu chế biến, ráp nối đến thành phẩm cuối cùng và đóng gói tự động hoàn toàn. Vậy câu hỏi đặt ra là con người sẽ làm gì? Công nghiệp 4.0 giải phóng sức lao động cơ bắp của con người nhưng đặt con người trước đòi hỏi của sức lao động sáng tạo và trí tuệ. Con người không vận hành dây chuyển sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm như từ thời Công nghiệp 2.0 đến nay, mà con người điều khiển dây chuyền tự động hóa, quan sát và cải tiến nó để tăng hiệu quả tối ưu và giảm thiểu rủi ro tối đa. Điều này có nghĩa là việc làm của Công nghiệp 4.0 đòi hỏi con người phải có trí thông minh của sự kết nối và sáng tạo. Việc làm của Công nghiệp 4.0 là việc làm sáng tạo, việc làm tri thức và lực lượng lao động 4.0 cũng là lực lượng lao động tri thức và sáng tạo.

          Việt Nam cần thay đổi như thế nào để tận dụng cơ hội của Công nghiệp 4.0?

          Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia đang phát triển khác, không thể nhảy cóc từ lực lượng lao động của Công nghiệp 2.0 sang Công nghiệp 4.0, mà Việt Nam phải đặt tiền đề cho sự thay đổi này, trong đó có ba tiền đề cơ bản đầu tiên phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

          Chính sách ngành công nghiệp

          Đầu tiên và trên hết, Việt Nam cần xây dựng và phát triển chính sách ngành công nghiệp phù hợp với Công nghiệp 4.0. Sự lựa chọn chính sách của quốc gia, cùng với quyết tâm chính trị để thực hiện chính sách lựa chọn, là tiền đề đầu tiên để Việt Nam vững bước vào Công nghiệp 4.0.

          Việt Nam hiện đang thực hiện con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, chính sách công nghiệp của Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào các ngành giá trị gia tăng thấp, kỹ năng thấp, giản đơn và sử dụng đông lao động, dễ bị thay thế bằng máy móc tự động hóa hoàn toàn/ robot, điển hình là ngành dệt may, da giày, điện tử… Mới đây, hãng Adidas đã công bố sản xuất thành công 500 đôi giày đầu tiên không cần sử dụng công nhân nào. May là khâu khó tự động hóa nhất trong ngành dệt may, do nguyên liệu vải sẽ bị co rúm trong quá trình may, nhất là các đường may vòng, uốn lượn. Tuy nhiên, hai Công ty công nghệ của Mỹ là Softwear Automation ở Attlanta và Sewboở Seattle đã công bố thiết kế thành công máy may tự động hóa hoàn toàn với hai công nghệ khác nhau. Một là: công nghệ xử lý độ mềm của vải gọi là xử lý kỹ thuật. Vải được làm cứng trước khi đưa vào may và thành phẩm được nhúng vào nước để trở lại trạng thái ban đầu. Hai là: công nghệ xử lý độ khéo léo của máy may thông qua việc lắp một camera có độ phân giải cực cao tại kim may để theo dõi độ biến động của vải. Nếu phát hiện bất kỳ biểu hiện biến động nào của sợi vải, có thể dẫn dến co, rùm, nhàu vải, một thiết bị được báo hiệu sẽ thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh vải trở lại trạng thái chuẩn trước khi may tiếp.

          Đối với ngành nông nghiệp, tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp không đạt được bao nhiêu so với đòi hỏi của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế nào con người ấy. Nền kinh tế hiện nay của Việt Nam sẽ đưa đến kết quả là nguồn nhân lực của Việt Nam kỹ năng thấp, chất lượng và năng suất thấp, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thấp và con người không có cơ hội để phát triển.

          Để thay đổi và phát triển chính sách ngành cho Công nghiệp 4.0, nếu Việt Nam lựa chọn con đường chờ đợi các doanh nghiệp tự năng động và đầu tư vào những ngành nghề mới của Công nghiệp 4.0 sẽ là một sự lựa chọn không tạo ra đột phá. Mục tiêu của doanh nghiệp, không bàn cãi, là hiệu quả và lợi nhuận. Vì vậy, đương nhiên doanh nghiệp sẽ có động cơ đầu tư vào những ngành tạo ra lợi nhuận, chi phí lao động thấp, ít rủi ro. Có chăng chỉ có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp dám liều lĩnh và mạo hiểm đầu tư vào các ngành mới của Công nghệ 4.0 bởi vì, do tính chất mới của ngành, nên chi phí đầu tư sẽ lớn, rủi ro cao và không an toàn đối với lợi nhuận của doanh nghiệp. Bộ phận nhỏ doanh nghiệp đi đầu này sẽ không tạo ra đột phá cho sự phát triển của cả đất nước Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới của Công nghiệp 4.0, tạo ra trụ cột ngành để thu hút FDI và doanh nghiệp đầu tư, cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới này. Chỉ như vậy, Việt Nam mới không bị tụt lại phía sau trong Công nghiệp 4.0.

          Văn hóa sáng tạo

          Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo, lao động tri thức. Không thể ép buộc con người sáng tạo giống như ép buộc con người phải làm việc cật lực trong Công nghiệp 2.0. Để sáng tạo cần phải có một nền tảng nhất định cho xây dựng văn hóa sáng tạo trong lực lượng lao động.

          Sáng tạo đòi hỏi con người phải thoát ra khỏi lo toan của cuộc sống hàng ngày và say mê trong lĩnh vực công việc của mình. Điều này có thể được không, khi mà lương công nhân Việt Nam hiện nay không đủ sống và công nhân khu công nghiệp đang phải đối mặt với 5 không: không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí và không thể dục thể thao, làm việc như robot, ảnh hưởng thể lực, giống nòi và năng suất. Muốn sáng tạo, con người cần có nền trí thức nhất định về Công nghiệp 4.0, về công nghệ, về kết nối, về xử lý vấn đề phức hợp. Nguồn lao động công nghiệp của Công nghiệp 2.0 hiện nay của Việt Nam với  làm việc như máy, không đòi hỏi sáng tạo, không còn sức lực sau một ngày làm việc để thực hiện những đam mê của mình, liệu có thể “nhảy thẳng” vào Cách mạng Công nghiệp 4.0, bỏ qua Công nghiệp 3.0 để sáng tạo ra cái mới khi chưa am hiểu về nền tảng của cái cũ.

          Văn hóa sáng tạo không thể có một sớm một chiều. Văn hóa là sự hình thành qua nhiều thế hệ để trở thành thói quen trong tư duy. Văn hóa sáng tạo đòi hỏi sự tự do về tư tưởng, dám nghĩ, dám làm, dám làm khác đi và chấp nhận rủi ro. Văn hóa sáng tạo cần được khuyến khích. Ngay cả những ý tưởng “điên rồ” nhất cũng cần được khuyến khích, vì môi trường đó mới tạo ra những ý tưởng mới, và trong vô vàn ý tưởng mới đó, sẽ có những ý tưởng rất có giá trị. Chỉ cần một ý tưởng có giá trị cũng có thể làm thay đổi cả một quốc gia.

          Văn hóa sáng tạo là một nền văn hóa và không thể có nếu phương thức quản lý con người không tạo cho con người sự tự do hoặc không khuyến khích con người tự do. Văn hóa sáng tạo cần đất để phát triển.

          Kỹ năng mềm

          Nếu được hỏi: “Kỹ năng mềm là gì?”, chắc chắn phần đông người Việt Nam sẽ lúng túng và không có câu trả lời rõ ràng. Các trường học ít khi đề cập tới kỹ năng mềm. Trong khi trí thông minh IQ ngày càng trở nên ít quan trọng hơn do sự thay thế của trí tuệ nhân tạo thì kỹ năng mềm lại chưa được quan tâm thích đáng. Các chương trình giảng dạy ở hầu hết các trường và trong toàn hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn tập trung vào “nhồi nhét” kiến thức. Nhận thức về kỹ năng mềm còn rất hạn chế, chưa nói tới giáo dục kỹ năng mềm và ứng dụng kỹ năng mềm trong công việc.

          Theo Báo cáo về tương lai Việt Nam của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, 10 kỹ năng mềm quan trọng nhất vào năm 2020 bao gồm: Xử lý vấn đề phức hợp (complex problem solving), tư duy phản biện (critical thinking), sáng tạo (creativity), quản lý con người (people management), phối hợp với người khác (coordinating with others), trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence), phán đoán và ra quyết định (judgement and decicion-making), định hướng dịch vụ (service orientation), thương lượng (negotiation), linh hoạt nhận thức (coginitive flexibility).

          Tại sao chúng lại quan trọng? Đầu tiên và quan trọng nhất là kỹ năng xử lý vấn đề phức hợp. Trong môi trường sản xuất chuỗi tự động hóa hoàn toàn, một khâu trong chuỗi gặp trục trặc, dù nhỏ cũng sẽ làm cho cả chuỗi bị ảnh hưởng. Xử lý vấn đề phức hợp đòi hỏi tư duy hệ thống, nghĩa là nhìn một bức tranh tổng thể trong toàn chuỗi và giải quyết vấn đề trong toàn chuỗi, từ quy trình thiết kế (ảo) đến sản xuất sản phẩm thật, đến việc nâng cấp trí tuệ nhân tạo để thiết bị ngày một thông minh hơn. Xử lý phức hợp không chỉ xử lý trong phạm vi của không gian sản xuất, mà còn mở rộng ra môi trường tác động qua lại bên ngoài chuỗi, và các khía cạnh khác như chính trị, văn hóa, xã hội.

          Xử lý vấn đề phức hợp cùng với các kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, phán đoán và ra quyết định sẽ tạo cho con người sự chủ động trong Công nghiệp 4.0, phải luôn phân tích và tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?” và tìm cách cải tiến. Trong Công nghiệp 4.0, nếu không chủ động, gần như con người sẽ tự mình đặt mình vào vị trí đứng ngoài cuộc. Trí tuệ xúc cảm và linh hoạt nhận thức giúp con người kiểm soát bản thân trong sự tương tác với người khác, tạo cho con người nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác, bởi vì: ý tưởng sáng tạo đôi khi xuất phát từ những suy nghĩ kỳ quặc. Các kỹ năng thương lượng, phối hợp với người khác sẽ giúp cho con người của Công nghiệp 4.0 tạo ra ý tưởng mới và đi đến sự đồng thuận trong lựa chọn và quyết định thực hiện các ý tưởng mới.

          Công nghiệp 4.0 là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các quốc gia. Công nghiệp 4.0 là thách thức nếu các quốc gia không chủ động thay đổi chính sách của mình. Công nghiệp 4.0 là cơ hội nếu các quốc gia chủ động thay đổi chính sách, trước hết tập trung vào các chính sách tiền đề là: hoạch định chính sách ngành công nghiệp phù hợp, phát triển văn hóa sáng tạo và thúc đẩy kỹ năng mềm trong lực lượng lao động. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể vững bước vào Công nghiệp 4.0 và phát triển một cách thực sự bền vững.

                                                          Phạm Thị Thu Lan

                                                             Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

 

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”