CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!

Tọa đàm Giải pháp khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động công đoàn

11:11 07-11-16

​          Ngày 03/11/2016, Công đoàn Viên chức Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm: Giải pháp khắc phục tình trạng “hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động công đoàn”. Đồng chí Nguyễn Giang Tuệ Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam và PGS.TS Vũ Quang Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn chủ trì Tọa đàm.

(Đ/c Nguyễn Giang Tuệ Minh, UVBCH Tổng LĐLĐVN, PCTTT Công đoàn Viên chức VN phát biểu)

​          Tham dự tọa đàm có các đồng chí đại diện lãnh đạo của 22 công đoàn trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam, lãnh đạo các ban Công đoàn Viên chức Việt Nam và các đồng chí trong tổ thực hiện Đề án của Viện Nghiên cứu Công nhân và công đoàn.

​          Tại buổi tọa đàm, có 9 ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ khái niệm “Hành chính” và tình trạng “Hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động công đoàn hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng “Hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động công đoàn trong thời gian tới.

​          Phát biểu tại buổi tọa đàm các đại biểu đồng tình cho rằng: Sử dụng những biện pháp hành chính trong quản lý, điều hành là rất cần thiết, nó giúp cho hoạt động của tổ chức được kỷ cương và nề nếp. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng "hành chính hóa" là một “căn bệnh xã hội” tồn tại từ rất lâu, hoạt động của các tổ chức công đoàn nhiều khi mang tính mệnh lệnh, hình thức, nặng tính văn bản xa rời thực tế cơ sở dẫn đến quan liêu. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên đó là không chủ động về nguồn cán bộ, các cán bộ công đoàn hiện nay hầu như kiêm nhiệm, công tác chuyên môn là chính, do đó công tác công đoàn không được tập trung, chú trọng, đào tạo bài bản, một nguyên nhân nữa đó là nguồn kinh phí công đoàn hạn hẹp, các chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác công đoàn còn hạn chế nên chưa thu hút được những người có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với công đoàn. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống báo cáo mang tính hình thức, không thực chất. Điều này có căn nguyên từ "bệnh thành tích" của toàn xã hội, do cơ chế tạo ra, dẫn đến các kết quả báo cáo không sát thực tế.

​          Để khắc phục tình trạng “Hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động công đoàn, nhiều đại biểu đề xuất trong giai đoạn tới, tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xác định rõ vai trò và nâng cao vị thế của công đoàn trong hệ thống chính trị; tập trung thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người lao động; linh hoạt trong tổ chức các hoạt động cũng như trong sinh hoạt ban chấp hành công đoàn. Công đoàn cần chủ động trong công tác cán bộ; cán bộ công đoàn phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

(PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn phát biểu)

​          Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn cho rằng những chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu sẽ không chỉ giúp Viện Công nhân và Công đoàn trong công tác khoa học mà còn giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nhìn nhận, đánh giá sâu hơn về tình trạng "hành chính hóa" cũng như tìm ra phương án khắc phục tình trạng này và giúp hoạt động công đoàn ở các cấp ngày càng hiệu quả, phù hợp với mong muốn của đoàn viên và người lao động, hướng tới đáp ứng được những yêu cầu mới đang đặt ra, nhất là khi hội nhập TPP như hiện nay.

Nguyễn Vui

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”