1. Chính thức tăng 8 % lương hưu, trợ cấp hàng tháng
Nghị định 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng 8 % mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với các nhóm đối tượng có quyết định hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/1/2015 đến trước ngày 1/5/2016, gồm:
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân tỉnh Nghệ An chuyển sang theo quyết định số 41/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn.
Riêng các đối tượng đã được tăng 8 % theo Nghị định 09/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì giữ nguyên mức hưởng…
2. Nâng đồng loạt mức hỗ trợ lên 2.000.000 đồng/người
Với trường hợp người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng theo quy định thấp hơn 2 triệu đồng, Nghị định 55/2016/NĐ-CP quy định mức hưởng được điều chỉnh từ ngày 1/1/2016 đối với người đang hưởng trước ngày 1/1/2016 và tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với người bắt đầu hưởng trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2016. Mức điều chỉnh cụ thể như sau:
Tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.000.000 đồng/người/tháng đối với những người hưởng lương hưu từ trên 1.750.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.
Tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 1.850.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 1.850.000 đồng/người/tháng đến dưới 2 triệu đồng/người/tháng...
3. Tính mức lương mới cho cán bộ, công chức trên “nền” lương cơ sở 1.210.000 đồng.
Thông tư 05/2016/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Áp dụng mức lương, phụ cấp (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu có) và hoạt động phí của các được tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng từ ngày 1/5/2016.
Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Cán bộ, công chức, viên chức được Điều động, biệt phái đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền…
Thông tư 05/2016/TT-BNV có hiệu lực từ 1/8/2016, trong đó có quy định có tính hồi tố. Theo đó, các quy định của Thông tư đã nêu rõ việc các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo mức lương cơ sở được tính lại tương ứng từ ngày 1/5/2016.
4. Quy định mới về hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài
Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài Chính quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề.
Theo đó, đối tượng thụ hưởng là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật; thân nhân của người có công với cách mạng; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp… có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Về mức hỗ trợ đào tạo nghề theo chi phí thực tế, mức tối đa theo Điều 4 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg (ngày 28/09/2015).
Đào tạo ngoại ngữ: Theo mức cụ thể từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: tối đa 530.000 đồng/người/khóa học; tiền ăn trong thời gian đào tạo: 40.000 đồng/người/ngày;
Chi phí đi lại (1 lượt đi và về) từ nơi cư trú hợp pháp đến địa điểm đào tạo:ư trú cách nơi đào tạo 15km trở lên: 200.000 đồng/người/khóa học; cư trú tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn cách nơi đào tạo từ 10 km trở lên: 300.000 đồng/người/khóa học…
5. Xác định quỹ tiền lương thực hiện công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước.
Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thưởng đối với quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, quỹ tiền lương, thù lao thực hiện được xác định như sau: Đối với quản lý chuyên trách, căn cứ vào số người quản lý và mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với mức độ thực hiện chỉ tiêu được nêu trong Nghị định. Nếu lợi nhuận vượt kế hoạch thì cứ 1% lợi nhuận, quản lý được tính thêm tối đa 1% tiền lương; không vượt quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch.
Đối với quản lý không chuyên trách: Tính trên cơ sở số quản lý, thời gian làm việc và mức thù lao theo Nghị định.
6. Tăng thêm nhóm công việc phải nghiêm ngặt an toàn vệ sinh, lao động
Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục 17 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và người lao động cần tuân thủ.
So với quy định cũ, Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH có bổ sung thêm mới một số nhóm công việc mới như: Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên; công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa; công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới 300 GHz; công việc chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền…
7. Quy định cơ chế tiền lương tại công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Theo đó, nguyên tắc phân phối tiền lương như sau:
Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, công ty được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau. Quỹ dự phòng của công ty không được vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Đối với công ty sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ thì quỹ dự phòng không vượt quá 20% quỹ tiền lương thực hiện quy định của Nghị định.
Công ty xây dựng quy chế trả lương theo vị trí, chức danh công việc, bảo đảm trả lương thỏa đáng (không hạn chế mức tối đa) đối với người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và đóng góp nhiều cho công ty.
Công ty phân phối tiền lương cho người lao động theo quy chế trả lương của công ty. Không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả cho thành viên Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng.
8. Cty vốn chi phối của Nhà nước: Lương của sếp không quá 36 triệu đồng.
Nghị định 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Theo đó, mức tiền lương bình quân kế hoạch đối với người quản lý công ty chuyên trách là người đại diện phần vốn nhà nước được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện năm trước liền kề gắn với việc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, bảo đảm tiền lương và thu nhập của người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động và nhà nước theo quy định của pháp luật, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch và bảo đảm tối đa không quá 36 triệu đồng/tháng đối với công ty có lợi nhuận kế hoạch dưới 50 tỷ đồng.
Nghị định 53/2016/NĐ-CP nêu rõ các căn cứ để gia tăng mức lương trên, trong trường hợp công ty có lợi nhuận kế hoạch từ 50 tỷ đồng trở lên thì áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương so với mức lương cơ bản, cụ thể: Hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa bằng 0,5 đối với công ty có lợi nhuận từ 50 tỉ đồng đến dưới 100 tỉ đồng.
Hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 1,0 đối với các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận có lợi nhuận từ 100 tỉ đồng tới dưới 500 tỉ đồng, công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại dịch vụ có lợi nhuận từ 100 tỉ đồng đến 300 tỉ đồng. Công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 100 tỉ đồng tới dưới 200 tỉ đồng…