Khu di tích K9 Đá Chông là nơi từ năm 1957 Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng khu căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ, đây cũng là nơi được Bộ Chính trị chọn là địa điểm giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác Hồ từ năm 1969 đến năm 1975.
Tại đây, Đoàn đã thắp hương đền thờ Bác Hồ, thăm và nghe giới thiệu về khu di tích Đá Chông, nghe giới thiệu quá trình xây dựng nhà bảo quản thi hài Bác khi chiến tranh sơ tán, thăm khu Đá Chông, các điểm tham quan của khu K9 và chụp ảnh lưu niệm.
Buổi sinh hoạt chính trị tại khu di tích K9 Đá Chông đã giúp công chức, viên chức nữ của Bộ và các thành viên tham gia đều nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa của Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới. Đây là nơi để mỗi người dân Việt Nam đến tri ân, tưởng niệm Bác, từ đó tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng ngày, từ khu di tích K9 Đá Chông, Đoàn đi thăm Làng cổ Đường Lâm, đây là quê hương nhiều danh nhân như Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Đến Làng cổ Đường Lâm, Đoàn đã thăm quan một số di tích đặc biệt tại làng cổ như chùa Mía, cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ - đặc trưng cho đình làng truyền thống và các ngôi nhà cổ khác. Bên cạnh đó, đoàn còn ghé thăm một số ngôi nhà cổ là các di tích được Nhà nước xếp hạng là nhà cổ dân sinh loại một, thăm nhà cổ dành cho quan lại thời xưa của gia đình chị Dương Thị Lan, tìm hiểu về nghề làm tương truyền thống của Làng…
Đợt sinh hoạt chính trị về nguồn thật sự ý nghĩa, giúp chị em hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước, từ đó, cùng nhau giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc và động viên nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, phấn đấu trở thành người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Khương Huyền