CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!

Khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của các cấp công đoàn

08:44 27-10-17

          Hoạt động của Công đoàn các cấp trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hằng năm, các cấp công đoàn đều bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và hướng dẫn, chỉ đạo của công đoàn cấp trên để chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị. Công đoàn các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lề lối làm việc, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, tập trung hướng mạnh về cơ sở, gắn với các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CBCCVCLĐ. Hoạt động công đoàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn trong sạch, vững mạnh. Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên, nhưng trong tổ chức và hoạt động của các cấp Công đoàn hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có tình trạng "Hành chính hóa" trong tổ chức và hoạt động công đoàn.

          “Hành chính hóa” là một khái niệm khá quen thuộc trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, nó đã tồn tại từ lâu và hiện nay tình trạng này đang diễn ra trong các cấp công đoàn. Nhìn chung, việc sử dụng những biện pháp hành chính trong quản lý, điều hành là rất cần thiết, điều đó giúp cho hoạt động của các cấp công đoàn được chặt chẽ, nề nếp. Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội, do đó "hành chính" trong tổ chức là cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động xuyên suốt, thống nhất. Công đoàn có chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, có hệ thống tổ chức, bộ máy, nguyên tắc hoạt động theo quy định riêng, do đó, tính chất hành chính trong tổ chức là không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu "hành chính" bị lạm dụng trong tổ chức và hoạt động biến các phong trào hoạt động công đoàn theo nguyên tắc mệnh lệnh và phục tùng giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cấp dưới sẽ trở thành "hành chính hóa", dẫn đến những trì trệ, cứng nhắc, chủ quan, thiếu linh hoạt; có thể làm sai lệch bản chất hoạt động công đoàn, giảm hiệu quả trong hoạt động dễ dẫn tới quan liêu trông chờ cấp trên và đặc biệt là giảm tính khả năng tập hợp thu hút người lao động gia nhập và sinh hoạt công đoàn. Những biểu hiện của hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động công đoàn có thể kể đến như sau:

          Thứ nhất, công đoàn cấp trên ban hành quá nhiều văn bản quy định, chỉ đạo, điều hành đối với công đoàn cấp dưới, văn bản chỉ đạo có lúc chưa bám sát thực tiễn, chưa xuất phát từ cơ sở. Tại các cấp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được bố trí cán bộ chuyên trách, tuy nhiên đa số không hưởng lương từ ngân sách công đoàn mà từ ngân sách chuyên môn, không thành lập các ban chuyên môn, nghiệp vụ; ở cấp công đoàn cơ sở, hầu hết đều không có cán bộ công đoàn chuyên trách nhưng vẫn phải tiếp nhận, triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có tính hành chính từ công đoàn cấp trên. Do đó, công đoàn cơ sở phải thực hiện nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí là không cần thiết đối với tình hình, đặc điểm của công đoàn cơ sở.  

          Thứ hai, công đoàn cấp dưới khi xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung hoạt động hàng tháng, quý, năm thường căn cứ vào nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của công đoàn cấp trên mà chưa thực sự xuất phát từ tình hình, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị do đó hiệu quả hoạt động chưa đạt được như mong muốn.

          Thứ ba, tổ chức các hoạt động phong trào đôi khi còn mang tính hình thức, công tác phối hợp hoạt động còn chung chung, chồng chéo, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự sâu sát cơ sở.

          Tình trạng “Hành chính hóa”  trong tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp sẽ dẫn đến sự trì trệ, cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong tổ chức và hoạt động công đoàn. Điều này gây nên tình trạng không ít công đoàn cơ sở triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của công đoàn cấp trên, tổ chức các hoạt động cho xong việc, lấy lệ, đối phó, thực hiện những nhiệm vụ không thiết thực hoặc không thể làm được, và vì thế, cũng khó mà thực hiện tốt vai trò chính của tổ chức Công đoàn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CBCCVCLĐ; đồng thời trở thành một trong những nguyên nhân làm cho phong trào dần không còn phát huy được sức mạnh vốn có của tổ chức công đoàn, đoàn viên, CBCCVCLĐ chưa tham gia tích cực các hoạt động do công đoàn tổ chức vì họ chưa nhìn thấy những hiệu quả thiết thực mà tổ chức công đoàn đem lại.

          Có thể thấy rằng, “Hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động công đoàn xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

          Một là, Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội nên về mặt khách quan, tính chất hành chính  của cán bộ công đoàn được chính Luật cán bộ, công chức hiện hành quy định, nên việc mắc bệnh hành chính hóa là khó tránh khỏi. Mặt khác, cán bộ công đoàn chuyên trách hiện nay đều là công chức nhà nước, nhiều cán bộ công chức trẻ, chưa kinh qua thực tiễn công tác từ cơ sở, từ hoạt động phong trào. Do vậy, tư duy và nhận thức khó tránh khỏi bệnh “hành chính”.

          Hai là, hiện nay công đoàn các cấp ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của mình, còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp ủy, chính quyền các cấp giao, trong khi biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách ít hoặc không có, cán bộ công đoàn hầu hết là kiêm nhiệm, công tác chuyên môn rất bận nên quá tải công việc dẫn đến nhiều nơi phải làm kiểu “hành chính” cho đủ đầu việc.

          Ba là, công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn chưa thực sự mạnh mẽ,  phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ công đoàn kiêm nhiệm nên bị động trong việc sắp xếp thời gian tham dự các lớp đào tạo, tập huấn do công đoàn cấp trên tổ chức, do đó, chưa dành thời gian cho hoạt động công đoàn, kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn còn hạn chế.

          Từ yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới và thực tiễn đặt ra, trong thời gian tới các cấp Công đoàn cần thực hiện tốt một số giải pháp để khắc phục tình trạng "Hành chính hóa" trong tổ chức và hoạt động công đoàn như sau:  

          Thứ nhất, cần tiếp tục xác định rõ nội dung trọng tâm của các cấp công đoàn, tập trung thực hiện các nội dung thuộc vấn đề đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của từng cấp công đoàn trong cơ cấu bộ máy tổ chức.

          Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, theo đó, tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CBCCVCLĐ; Các cấp công đoàn cần lựa chọn những việc trọng tâm, thiết thực nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình, tiếp tục đổi mới mối quan hệ làm việc giữa cấp trên và cấp dưới theo hướng ”cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ, giúp đỡ, hạn chế chỉ đạo, triển khai công tác công đoàn bằng văn bản, phải trực tiếp xuống kiểm tra cụ thể và trao đổi, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, lấy kết quả đó để hướng dẫn, chỉ đạo.

          Thứ ba, tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ công đoàn chuyên trách có năng lực, chú trọng cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động phong trào trực tiếp từ cơ sở. Nghiên cứu xây dựng đổi mới cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng, bố trí cán bộ sử dụng cán bộ công đoàn chuyên trách, cần quy định rõ về số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách ở mỗi cấp công đoàn.

          Thứ tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nghiên cứu đổi mới công tác thông tin báo cáo theo hướng, báo cáo cần ngắn gọn thể hiện những vấn đề quan trọng, cần thiết và những đề xuất, kiến nghị; tập trung vào báo cáo bằng bảng biểu, số liệu là chủ yếu.

          Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động công đoàn. Cần triển khai xây dựng Trang thông tin điện tử nội bộ tại công đoàn các đơn vị; tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo công đoàn trực tuyến đối với các đơn vị có địa bàn phân tán.

          Thứ sáu, xây dựng ban chấp hành và đội ngũ cán bộ công đoàn có thời gian và điều kiện hoạt động công đoàn. Lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp nhiệt tình, tâm huyết, bản lĩnh, năng lực, trách nhiệm và phải có uy tín với đoàn viên. cán bộ công đoàn, đi sâu, đi sát cơ sở tránh chỉ đạo mệnh lệnh.

          Thứ bảy, tăng cường công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện của chính quyền chuyên môn các cấp trong tổ chức và hoạt động công đoàn.

          Thứ tám, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của công đoàn cấp trên, công đoàn cấp dưới cần bàn bạc, xây dựng, điều chỉnh triển khai cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; hạn chế sao chụp những văn bản triển khai công việc từ cấp trên xuống cấp dưới, phải xây dựng lại nội dung công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn để tập trung chỉ đạo thực hiện.

                                                                                                                                                                                                                    Thái Hoài Nam

UVBCH, Phó Ban Phụ trách Ban Tuyên giáo

                                                                                                                                                                                                                                                                             Công đoàn Viên chức Việt Nam

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”