Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái "thương người như thể thương thân", "mình vì mọi người" của nhân dân ta. Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà. Khi trao đổi ý kiến về việc thưởng Huy hiệu của mình, Bác nói: "Ðối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Ðảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng Huy hiệu". (Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 -Tập12- tr.548).
Kể từ bài báo đầu tiên về gương người tốt, việc tốt được Người sưu tập là bài “Mẹ Đăng” cắt ra từ Báo Phụ nữ Việt Nam ra ngày 16/2/1956 cho đến bài báo cuối cùng là bài “Xông vào lửa cứu xe, cứu đạn” cắt ra từ báo Quân đội Nhân dân ra ngày 30/12/1968, đã cho thấy sự bền bỉ và hết sức âm thầm trong việc sưu tầm, tuyển lựa những gương người tốt, việc tốt đăng trên các báo trong suốt gần 13 năm trời, cho một công việc tưởng chừng như đơn giản, không to tát gì, song lại hàm chứa một ý nghĩa rất đỗi lớn lao, đó là sự nghiệp “trồng người” của Bác.
Sưu tập báo cắt dán về gương “người tốt, việc tốt” có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Cho đến nay, trong kho lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ được hơn 2.000 bài báo, mẩu tin, bài về gương người tốt, việc tốt, được sưu tầm và cắt ra từ các loại báo và tin như: Báo Nhân dân, Báo Thủ đô Hà Nội, Báo Thái Bình tiến lên, Báo Sông Đào, Báo Tân Việt Hoa, Tin Việt Nam Thông tấn xã v.v... Đó là những gương người tốt, việc tốt thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau: Học tập, lao động, tiết kiệm, sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, dũng cảm, thật thà và những gương nghèo vượt khó ...
Mặc dầu trong hoàn cảnh ác liệt chống chiến tranh xâm lược, song việc sưu tập các bài báo người tốt, việc tốt và thưởng Huy hiệu của Người trong một thời gian dài đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Người thường xuyên động viên nhân dân lấy những gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau, thi đua với nhau; coi đó là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Từ việc cụ Lương ở tỉnh Hà Nam nuôi trâu gầy thành trâu béo (Báo Hà Biên ngày 15/9/1964), việc anh Cao Xuân Nhì 21 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc tuy mù hai mắt vẫn tích cực trồng cây (Báo Nhân dân ngày 2/9/1962), hay việc chị Lánh ở Cửa hàng thực phẩm Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình tận tuỵ với khách hàng (Báo Thương Nghiệp ngày 18/12/1961), cho đến việc em Nguyễn Ngọc Ký ở tỉnh Nam Định bị liệt cả hai tay, phải viết bằng chân mà vẫn học giỏi (Báo Thời Mới ngày 31/5/1963)... đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời động viên và thưởng Huy hiệu của Người. Người nhỏ tuổi nhất được Bác Hồ nhiều lần thưởng Huy hiệu là em Nguyễn Trọng Thể – 6 tuổi ở Phố Hàng Bông, Hà Nội – về thành tích 3 lần nhặt được của rơi đều trả lại người mất. Trong phần lớn các bài báo nêu gương người tốt việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại các bút tích, các ký hiệu riêng bằng chữ Việt hoặc chữ Hán bằng bút bi màu đỏ, bút máy mực xanh đen và bút chì xanh đỏ. Bài báo nêu gương tập thể thì bút tích của Người đánh dấu ở gương điển hình. Có những trang báo, bên cạnh bút tích thưởng Huy hiệu là ý kiến phê bình của Người trước những việc làm chưa được tốt.
Đến khoảng giữa năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tập hợp lại những bài báo, xác minh thêm và biên tập rồi cho xuất bản thành sách để mọi người cùng học tập, noi theo. Theo Chỉ thị của Người, các đồng chí trong Văn phòng Chủ tịch nước đã cắt lại các bài báo mà Người đã đọc, dán lên mặt sau các trang tin cũ, đóng lại thành tập, làm tư liệu cho các nhà xuất bản chuẩn bị in Sách Người tốt việc tốt. Và vì thế đa số các bài báo đã được các nhà xuất bản lựa chọn, in thành sách như: “Vì nước vì dân” của NXB Quân đội Nhân dân; “Thế hệ anh hừng” của NXB Thanh Niên; “Dũng cảm, đảm đang” của NXB Phụ nữ; “Việc nhỏ nghĩa lớn” của NXB Kim Đồng; “Hậu phương thi đua với tiền phương” của NXB Phổ Thông v.v.... Riêng tập sách “Việc nhỏ nghĩa lớn” của NXB Kim Đồng đã được in tới 15 tập. Người hết sức quí trọng, nâng niu từ những công việc nhỏ bé, có tập thể nhỏ là thiếu niên HTX Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, tỉnh Hà Bắc có phong trào chăm sóc tốt trâu bò của HTX (từ một mẩu tin nhỏ đăng trên Báo Hà Bắc), sau khi xem báo và yêu cầu UBND tỉnh xác minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen: “Các cháu tuy còn nhỏ tuổi, cũng có thể làm những việc ích nước lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà, của hợp tác xã ...”. Có những lúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dùng gương tốt, việc tốt của thiếu nhi Việt Nam để làm chiếc cầu nối, giao lưu văn hoá giữa thiếu nhi nước ta với thiếu nhi và bạn bè quốc tế.
Ngày nay, trong sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, từ Bắc chí Nam có rất nhiều gương người tốt, việc tốt; nhiều tấm gương lao động sáng tạo say mê, dũng cảm, hy sinh quên mình vì công việc chung, vì trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng, trước nhân dân đã mang lại giá trị nhân văn cao đẹp trong xã hội ta; biểu dương tấm gương người tốt- việc tốt trong xã hội. Tháng 6 năm 2018 này, tròn 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2018) và Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng VN (21/6/1925-21/6/2018); đặc biệt toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xin được nêu vấn đề này để chúng ta cùng suy ngẫm.
Nguyễn Hữu Giới
Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL