Lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945
Tập thể đoàn viên Công đoàn Thanh tra Chính phủ tưởng niệm Bác Hồ tại lán Nà Nưa.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lán Nà Nưa.
Được sự giới thiệu chu đáo của Thanh tra tỉnh Tuyên Quang, tập thể đoàn viên của Công đoàn Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Mạnh Hường, Cục trưởng Cục II, Chủ tịch Công đoàn làm Trưởng đoàn đã thắp hương tưởng nhớ “ông Ké” - Bác Hồ thân yêu tại lán Nà Nưa.
Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.
Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách.
Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo.
Nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng
Ngày 4/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời lán Nà Nưa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên). Bác cử một số đồng chí ở lại Tân Trào để chỉ huy kháng chiến, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Hoàng Văn Thái, Trần Thị Minh Châu...
Đình Tân Trào - nơi diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào
Từ ngày 16 đến 17/8/1945, tại đình Tân Trào - đã diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào. Quốc dân Đại hội diễn ra trong bối cảnh quân dân ta đang đẩy mạnh phong trào kháng Nhật cứu quốc, tạo tiền đề mạnh mẽ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.
Đoàn dâng hương tại Đình Tân Trào.
Chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội Tân Trào chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền bắc-trung-nam, đại diện các đảng phái yêu nước, các nhân sĩ, trí thức, đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong nước và kiều bào ở nước ngoài.
Đình Tân Trào ngày nay là địa chỉ đỏ thu hút đông đảo người dân và du khách từ mọi miền Tổ quốc và quốc tế về thăm quan, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của cách mạng Việt Nam
Lúc này, Lệnh Tổng khởi nghĩa đã phát đi, vì vậy thời gian họp rất khẩn trương để các đại biểu kịp về địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.
Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam đã đưa ra những quyết định mang tính sống còn của dân tộc.
Quốc dân Đại hội đã thông qua được lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh, bầu ra Ủy ban mặt trận giải phóng tức chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, gồm có 15 người do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Phó Chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu.
Đại hội đã quy định về Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam. Lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ là biểu tượng cho lá cờ chung của cả nước và lấy bài hát Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao là bài Quốc ca của nước Việt Nam.
Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội. Ngay sau khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi, tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng tổ chức khởi nghĩa và là địa phương được giải phóng sớm nhất trong cả nước vào ngày 17/8/1945.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, nhân dân cả nước Việt Nam nhất tề đứng lên “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc” giành chính quyền về tay Nhân dân, làm chủ đất nước mình.
Đình Tân Trào ngày nay là địa chỉ đỏ thu hút đông đảo người dân và du khách từ mọi miền Tổ quốc và quốc tế về thăm quan, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của cách mạng Việt Nam.
Di tích Ban Thanh tra đặc biệt - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138B, ngày 18/12/1949 thành lập Ban Thanh tra Chính phủ
Các đoàn viên Công đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Ban Thanh tra Chính phủ.
Di tích Ban Thanh tra đặc biệt, tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138 B, ngày 18/12/1949 thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, cũng là nơi ở và làm việc của Ban Thanh tra Chính phủ từ năm 1949-1953.
Tại căn cứ cách mạng này, dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thanh tra Chính phủ đã vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Công trình Di tích Ban Thanh tra Chính phủ là địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động về nguồn và các sự kiện quan trọng nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương đất nước và tự hào với truyền thống gần 80 năm xây dựng và phát triển của ngành Thanh tra.
Có thể nói, công trình Di tích Ban Thanh tra Chính phủ hoàn thành và đưa vào sử dụng (từ tháng 1/2021) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là sự tri ân của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói chung và Nhân dân các dân tộc xã Bình Yên, huyện Sơn Dương nói riêng.
K. Dung