1. Bối cảnh ra đời. Vào cuối những năm 1980, một số quan chức chính phủ Nhật Bản, đặc biệt Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp (MITI) lúc đó là Hajime Tamura, đã gợi ý thành lập một Diễn đàn hợp tác có tính chất kỹ thuật về các vấn đề kinh tế khu vực. Tháng 1 năm 1989, tại Xê-un, Hàn Quốc, Thủ tướng Ôt-xtrây-lia là Bob Hawke đã nêu ý tưởng về việc thành lập một Diễn đàn tư vấn kinh tế cấp Bộ trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương với mục đích phối hợp hoạt động của các chính phủ, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương. Ngay sau đó: Nhật Bản, Ma-lai-xia, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Bru-nây, In-đô-nê-xia, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Mỹ đã ủng hộ sáng kiến này. Tháng 11 năm 1989, các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của các nước nói trên đã họp tại Can-bê-ra (Ôt-xtrây-lia) quyết định chính thức thành lập APEC.
Sau đó, APEC kết nạp thêm Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan (vào tháng 11 năm 1991); Mê-hi-cô, Pa-pu-a Niu Ghi-nê (tháng 11 năm 1993); Chi-lê (tháng 11 năm 1994) và tạm ngừng thời hạn xét kết nạp thành viên trong ba năm. Đến tháng 11 năm 1998, APEC kết nạp thêm ba thành viên mới là Pê-ru, Liên bang Nga và Việt Nam, đồng thời quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới trong mười năm để củng cố tổ chức. Đến nay, APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên với khoảng hơn 3 tỷ người; hơn 20.000 tỷ đô la Mỹ GDP mỗi năm và chiếm khoảng 50% thương mại thế giới. APEC bao gồm cả hai khu vực kinh tế mạnh và năng động nhất thế giới: khu vực Đông Á và khu vực Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô) với những nét đặc thù và vô cùng đa dạng về chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Chỉ trong mười năm đầu tồn tại và phát triển, các nền kinh tế thành viên APEC đã đóng góp gần 70% cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu.
Nội dung hoạt động xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên. Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.
2. Mục tiêu của APEC.
Tuyên bố Seoul 1991, đã đề ra 4 mục tiêu phát triển trong APEC gồm:
- Duy trì sự tăng trưởng, phát triển của khu vực vì lợi ích chung của các dân tộc trong khu vực, và bằng cách đó đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế thế giới;
- Phát huy các kết quả tích cực đối với khu vực và nền kinh tế thế giới do sự tuỳ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế tạo ra, khuyến khích các luồng hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ;
- Phát triển và tăng cường hệ thống thương mại đa phương mở vì lợi ích của các nước châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác;
- Cắt giảm những hàng rào cản trở việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ và đầu tư giữa các thành viên phù hợp với các nguyên tắc của GATT/WTO ở những lĩnh vực thích hợp và không làm tổn hại tới các nền kinh tế khác.
Nội dung hoạt động của APEC xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên.
Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.
3. Nguyên tắc hoạt động của APEC.
Kể từ khi thành lập (năm 1989) cho đến nay, các thành viên APEC đều thống nhất hoạt động theo các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc cùng có lợi. Do tính đa dạng của các nền kinh tế trong APEC về chính trị, văn hoá, kinh tế nên quá trình hợp tác phải bảo đảm được tất cả các nền kinh tế APEC, bất kể sự chênh lệch mức độ phát triển, đều có lợi.
- Nguyên tắc đồng thuận. Tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên. Đây là nguyên tắc đã được các thành viên ASEAN áp dụng và thu được nhiều kết quả.
- Nguyên tắc tự nguyện. Tất cả các cam kết của các thành viên APEC đều dựa trên cơ sở tự nguyện (Ví dụ như IAP). Cùng với nguyên tắc đồng thuận, đây là nguyên tắc khiến cho APEC trở nên khác với GATT/WTO. Tất cả chương trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại của APEC không diễn ra trên bàn đàm phán mà do các nước tự nguyện đưa ra.
- Phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT. APEC cam kết thực hiện chế độ thương mại đa phương của WTO và không phải là một liên minh thuế quan, một khu vực tự do thương mại
4. Những kết quả đạt được của APEC trong gần 30 năm qua và triển vọng hợp tác APEC thời gian tới.
Suốt gần 3 thập kỷ qua, các thành viên của APEC đã nỗ lực không ngừng, tăng cường hợp tác và phát triển; đồng thời mở rộng và tăng cường liên kết kinh tế khu vực, theo tinh thần của mục tiêu chung qua các Hội nghị thường niên, làthúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển.
Với nguyên tắc hoạt động tự nguyện, linh hoạt, đồng thuận và cùng phát triển, nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra đã mang lại những kết quả hết sức cụ thể và có ý nghĩa. Từ năm 1989 đến năm 2010, thương mại giữa các thành viên tăng gần 5 lần, từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 9,9 nghìn tỷ USD, cao hơn thương mại nội khối hiện nay của Liên minh châu Âu; mức thuế trung bình trong khu vực giảm gần 6 lần, từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,8% năm 2010; chi phí giao dịch thương mại cũng giảm đáng kể, qua 2 lần cắt giảm 5% vào các năm 2006 và 2010. APEC là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục hàng hóa môi trường, vấn đề mà WTO thúc đẩy hơn một thập niên qua, theo đó, 54 mặt hàng môi trường sẽ giảm thuế ở mức dưới 5% vào năm 2015. Các thành viên APEC cũng đang thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua kết nối về cơ sở hạ tầng, xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy và minh bạch hóa, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.
Trước những thách thức ngày càng gia tăng của các vấn đề khu vực và toàn cầu, từ ba trụ cột hợp tác ban đầu về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật, APEC đã không ng ừng mở rộng nội dung hợp tác nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển trong từng giai đoạn. Hợp tác về an ninh con người và ứng phó với các thách thức toàn cầu trở thành một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của APEC, bao gồm chống chủ nghĩa khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và tình trạng khẩn cấp, giải quyết các thách thức an ninh lương thực-nước-năng lượng, hợp tác giáo dục...Để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, APEC đã và đang thúc đẩy chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, tăng cường kết nối khu vực, tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng mới với 5 nội hàm là cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn.Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, tập hợp lực lượng và xu thế liên kết đa tầng nấc trong khu vực đang có những biến chuyển sâu sắc và nhanh chóng, hơn lúc nào hết, APEC tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của mình, đóng góp vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương và sự phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương.
Về triển vọng của APEC:Là diễn đàn phát triển năng động nhất trên thế giới, APEC ngày càng tỏ rõ sức sống mạnh mẽ sau 28 năm tồn tại và phát triển, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác về kinh tế – thương mại giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và hình thành cơ chế buôn bán mở toàn cầu. APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy ba trụ cột hợp tác, đi theo lộ trình đã đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu Bô-go, với ưu tiên hàng đầu là ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp.Về tự do hoá thương mại và đầu tư, một trong những chủ đề của APEC 2001 là “tăng cường tự do hoá thương mại và đầu tư” bên cạnh việc phổ biến lợi ích của toàn cầu hoá và nền kinh tế mới. APEC sẽ chuyển sang đặt trọng tâm vào việc cải thiện IAP như là công cụ chính đề tiến hành tự do hoá bằng cách xây dựng IAP điện tử (e-IAP). Các thành viên sẽ lần lượt tự nguyện tiến hành tham vấn rà soát (Peer Review). Kế hoạch hành động Hà Nội được thông qua trong năm 2006 là cơ sở cho hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC những năm tới, góp phần tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC. Các nền kinh tế APEC cũng thảo luận các mục tiêu của APEC sau khi hoàn thành mục tiêu Bô-gô.Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đang và sẽ trở thành một ưu tiên chính trong APEC.
Với những khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện tự do hoá, APEC sẽ tập trung nhiều hơn vào trụ cột thuận lợi hoá, coi đây là một biện pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu Bô-go. APEC đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng các điều khoản mẫu tham chiếu cho việc xây dựng các thỏa thuận tự do hóa thương mại khu vực và song phương để thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Với việc thực hiện mục tiêu của khu vực mậu dịch tự do Châu Á-Thái Bình Dương như là một cơ chế hiện thực hóa Bô-gô là một viễn cảnh đang được APEC bàn đến. Bên cạnh đó, vấn đề hợp tác kinh tế kỹ thuật (ECOTECH), trong đó nhấn mạnh đến công tác xây dựng năng lực, thu hẹp khoảng cách, phát triển nguồn nhân lực đã và đang trở thành một vấn đề được đề cập nhiều trong APEC.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và kinh tế mới cùng với sự phát triển nhanh chóng của CNTT hiện nay, các nhà lãnh đạo APEC nhận thức rõ sự cần thiết phải tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm giảm khoảng cách về phát triển trong APEC, giúp các thành viên đang phát triển theo kịp xu thế phát triển của kỷ nguyên CNTT. Trong những năm tới, bên cạnh việc chú trọng vào chương trình thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật cũng sẽ được đẩy mạnh hơn trong các hoạt động của APEC.
Trước bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc, chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa phi truyền thống đang đặt ra những thách thức mới cho môi trường kinh doanh, đầu tư trong khu vực, APEC ngày càng quan tâm đến các vấn đề an ninh, chính trị, đẩy mạnh hợp tác về an ninh con người, chống tham nhũng, minh bạch hoá, an ninh con người. Đồng thời APEC cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách theo hướng hiệu quả, năng động hơn và tăng cường tính liến kết nhằm giúp APEC vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội trong môi trường thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.
4. Quan hệ Việt Nam- APEC.
Ngày 14/11/1998, các thành viên của APEC đã thông qua việc kết nạp Việt Nam, cùng với Liên bang Nga và Pêru, làm thành viên chính thức của APEC; đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế của Việt Nam.
Trong 28 năm qua, APEC đã đóng vai trò quan trọng duy trì quá trình tự do hoá và tạo thuận lợi hoá cho dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực. Thị trường APEC cũng đang tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI và gia tăng khôi lượng thương mại với các đối tác trong APEC. APEC cũng chính là điều kiện để Việt Nam khẳng định quá trình hội nhập kinh tế đầy đủ của mình. Việt Nam có nhiều đối tác lớn trong APEC như các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga. Thị trường APEC có tiềm năng rất lớn đối với Việt Nam, chiếm khoảng 80% kim ngạch buôn bán, 75% vốn đầu tư nước ngoài và trên 50% nguồn viện trợ phát triển (ODA).
Tuy là một thành viên mới, nhưng Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và quá trình tự do hóa của APEC. Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến (Hội nghị APEC lần thứ 11 tại Băng Cốc (Thái Lan), có 2 sáng kiến của Việt Nam là tăng cường hợp tác nội khối và thành lập Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ) được Hội nghị đánh giá cao. Đến nay, Việt Nam đã đề xuất 11 dự án và đều được APEC thông qua, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thủy sản, nông nghiệp, khoa học-công nghiệp. Việt Nam đã đăng cai Hội nghị APEC năm 2006 và hiện đang tích cực chuẩn bị Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 (năm 2017, tổ thức vào tháng 11 tại Đà Nẵng) coi đây là một trong những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của mình. Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh mở cửa kinh tế, hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế toàn cầu; thúc đẩy mục tiêu Bô-gô; bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn và bền vững, cũng như trong các vấn đề y tế, phòng chống thiên tai, an ninh năng lượng, chống tham nhũng, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ... Với việc đăng cai lần này, hy vọng rằng; Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23, vì sự năng động, tự cường và phát triển của châu Á-Thái Bình Dương.
Một số hình ảnh:
Lê Khôi