Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Giang Tuệ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam; TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn; Đại diện Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn Viện Hàn lâm; đại diện lãnh đạo các Công đoàn trong khối thi đua III thuộc Công đoàn Viên chức Việt Namcùng đông đảo đại biểu đến từ các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viện Hàn lâm và toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện Địa lý Nhân văn.
Hội thảo đã thảo luận, trao đổi về các giải pháp thúc đẩy 3R: Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế rác thải ở Việt Nam. Cụ thể là, thảo luận về những nội dung cơ bản liên quan đến chất thải rắn; Tình hình thực hiện 3R trên thế giới và Việt Nam; chính sách quản lý chất thải ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra khi thực hiện 3R; Giải pháp áp dụng 3R tại Việt Nam và tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhằm tăng cường sự đóng góp của 3R trong giảm thiểu chất thải nguy hại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng cho biết: 3R là từ viết tắt của 3 chữ cái đầu trong tiếng Anh: Reduce - Reuse - Recycle (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế). Việc thực hiện mô hình 3R phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân trong cộng đồng. Tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế phát triển các bon thấp đã, đang và sẽ trở thành định hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam. Một trong những công cụ để đạt được tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh là quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên thông qua các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R). Chính vì thế, nhiều năm qua, một số nước trên thế giới, trong đó, có Việt Nam đã và đang tích cực triển khai mô hình 3R.Mô hình 3R sẽ mang lại một số lợi ích cơ bản như: Nâng cao ý thức của người dân, các doanh nghiệp về vấn đề rác và xử lý rác; Ngăn ngừa các vấn đề suy thoái môi trường: giảm ô nhiễm môi trường không khí và nước ngầm; Tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, chi phí khai thác nguyên liệu; Tiết kiệm chi phí thu gom và xử lý rác thải, giảm lượng rác thải hàng ngày; Giảm quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác. Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Địa lý Nhân văn, Hội thảo sẽ là dịp để các nhà nghiên cứu và các đại biểu cùng nhau thảo luận rõ hơn về những lợi ích mà 3R mang lại, cũng như trao đổi về những vướng mắc trong quá trình thực hiện 3R trong cộng đồng nói chung và tại Viện Hàn lâm nói riêng.
Đề xuất một số giải pháp thực hiện 3R tại cộng đồng các tham luận đều cho rằng việc thực hiện mô hình 3R được xác định là nhiệm vụ của toàn xã hội. Chiến lược thực hiện 3R phải là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống chính sách, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Để làm được điều đó, cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng; Thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ để chia sẻ thông tin nhằm hình thành sự hiểu biết tin cậy và hợp tác giữa những người tham gia; Có sự hỗ trợ từ chính sách, khuyến khích các hoạt động như thu gom thức ăn thừa và rác thải trên các dãy phố bán hàng hoặc các buổi lễ trao thưởng vì môi trường xanh; Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các thành phần tham gia và không ngừng ứng dụng những nghiên cứu Khoa học công nghệ vào hệ thống sản xuất - tiêu dùng cho phép tái chế các vật liệu, phát triển các công nghệ sạch nhằm đẩy mạnh thực hiện 3R ở giai đoạn sản xuất và phát triển kỹ thuật để tăng cường 3R ở khâu thiết kế sản phẩm. Ngoài ra, thông qua cung cấp thông tin về Khoa học công nghệ cho công chúng và những mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và chính quyền/ cộng đồng địa phương để giới thiệu được những thành tựu Khoa học công nghệ đi vào thực tế cuộc sống của mỗi vùng.
Khuyến nghị những giải pháp mang tính khả thi tại Viện Hàn lâm, TS. Đoàn Thị Thu Hương đã chia sẻ: để thực hiện 3R tại Viện Hàn lâm cần bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của các công đoàn viên trong việc phân loại rác thải, tái sử dụng các sản phẩm giấy, tái chế các sản phẩm nhựa để làm các công cụ, dụng cụ sử dụng tại Văn phòng, tích cực làm xanh hóa Văn phòng bằng cây xanh, thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm điện, nước, giấy vệ sinh, ưu tiên việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế việc dùng túi nilon… Bên cạnh đó, Ban Chấp hành các công đoàn cơ sở cũng cần tích cực triển khai các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường hiểu biết, nhận thức cho các công đoàn viên, đẩy mạnh thực hiện 3R thông qua các hoạt động phong trào của từng đơn vị…
Chúc mừng kết quả đạt được tại Hội thảo, đồng Nguyễn Giang Tuệ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi cùng các tham luận tại Hội thảo và cho rằng, những kiến giải được thảo luận tại Hội thảo đã đem lại những góc nhìn mới hoàn toàn khả thi trong việc thực hiện 3R. Đây chính là kết quả rất đáng được ghi nhận trong hoạt động của Công đoàn Viện Hàn lâm nói chung và của Viện Địa lý nhân văn nói riêng.
Tổng kết các ý kiến của Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với sự đánh giá của bà Nguyễn Giang Tuệ Minh và mong rằng hoạt động của Công đoàn Viện Hàn lâm sẽ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo ngày càng sâu sát hơn nữa từ Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam, để các hoạt động của Công đoàn Viện Hàn lâm cũng như việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu của Viện Địa lý Nhân văn nhằm thực hiện các giải pháp 3R sẽ được phổ biến ngày càng rộng rãi trong cộng đồng, góp phần hiệu quả vào việc hạn chế rác thải và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Huy Giang