Dự và chỉ đạo có đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Tống Văn Băng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham dự có đại biểu các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số Liên đoàn Lao động tỉnh có đông doanh nghiệp như Long An, Tây Ninh, Thanh Hoá, Bắc Giang, Bình Dương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Mục tiêu phát triển đoàn viên công đoàn, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cấp cơ sở luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được triển khai trong nhiều nhiệm kỳ qua, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được phát triển mạnh mẽ.
Trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên (có trên 5.000 đoàn viên) luôn có vị trí, vai trò chiếm lược hết sức quan trọng, là nơi có lực lượng lao động đông, mạnh, chất, đủ các điều kiện để tổ chức phong trào, dẫn dắt, truyền cảm hứng và có sức lan toả rộng rãi, là mũi nhọn trong phát triển phong trào công nhân, đổi mới nội dung phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Công đoàn cơ sở đã đồng hành cùng doanh nghiệp đóng góp nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển đất nước, đó là đã tạo ra khối lượng việc làm lớn cho người lao động; gánh vác trọng trách đầu tàu trong việc xúc tiến nền kinh tế; có vai trò then chốt, đặc biệt trong việc tăng trưởng và ổn định nền kinh tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển mạnh. Hoạt động của Công đoàn cơ sở doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp; được giới chủ tin tưởng, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động.
Đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, thí điểm đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên là phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”; Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Với tầm quan trọng đó, Đoàn Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên.
Thời gian qua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Tổ nghiên cứu tiến hành khảo sát, thống kê, đánh giá tác động tình hình tổ chức và hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 5.000 đoàn viên trở lên tại 9 tỉnh và 1 công đoàn ngành trung ương; qua đó đã thống nhất lựa chọn 5 địa phương để nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Để Đề án đảm bảo cơ sở lý luận, pháp lý, phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ công đoàn, đoàn viên, với mong muốn khi Đề án thí điểm được hoàn thiện sẽ tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, đoàn viên, các đơn vị thí điểm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của đại diện công đoàn các cấp, nhất là đối với những đơn vị được lựa chọn thí điểm mô hình để có cơ sở tiếp thu, hoàn thiện Đề án trình tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức vào tháng 9/2024.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tập trung, dân chủ, dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng vào các vấn đề trọng tâm, cốt lõi của dự thảo Đề án, như: Về kết cấu bố cục; về thực trạng, quan điểm, mục tiêu, phương thức, lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án thí điểm.
Thái Hòa