CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908-2/2/2018)

08:59 24-01-18

          Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam

          Trong các nhà hoạt động cách mạng tiền bối của Đảng ta, tên tuổi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gắn liền với sự ra đời và phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

          Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02 tháng 02 năm Mậu Thân - 1908 tại thôn Diêm Điền, xã Thụy Hà, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông thân sinh ra đồng chí là Nguyễn Đức Tiết, thi đỗ cử nhân năm Mậu Tý 1888 nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Mẹ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, bà Trần Thị Thuỳ là một phụ nữ  đảm đang, phúc hậu và hết lòng thương yêu chồng con. Nguyễn Đức Cảnh ra đời trong lúc phong trào yêu nước của nhân dân ta diễn ra khá sôi nổi ở nhiều nơi. Đó là dấu hiệu đầu tiên để nói rằng khả năng vươn tới tương lai của một giai cấp tiên tiến và cách mạng trong xã hội Việt Nam là điều đang trở thành hiện thực. Năm lên 7 tuổi, Nguyễn Đức Cảnh đã mồ côi cha. Sau khi học xong tiểu học, năm 1923 đồng chí thi đậu vào trường Thành Chung ở TP. Nam Định. Tháng 2-1926, khi đang học ở Trường Trung học Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh và một số bạn cùng chí hướng như Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh), Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Danh Đới, Lý Hồng Nhật.... đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Bọn thống trị đàn áp học sinh bãi khoá. Nguyễn Đức Cảnh cùng một số đồng chí khác bị đuổi học, đồng chí lên Hà Nội đánh máy chữ sau đó sang làm thợ sắp chữ ở Nhà in Lê Văn Tân.

          Tháng 9 năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh cùng với Lý Hồng Nhật và Nguyễn Công Thu được tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng cử ra nước ngoài gặp Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội bàn việc thống nhất lực lượng chống đế quốc Pháp. Đến Trung Quốc, được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, được chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, hiểu rõ con đường đi đúng đắn của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Đức Cảnh ly khai Việt Nam Quốc dân Đảng, tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.Về nước Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư tỉnh bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hải Phòng, và đến đầu năm 1928 thì được cử vào Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách TP.Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai. Cũng trong thời gian công tác ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã gặp đồng chí Hạ Bá Cang (tức đồng chí Hoàng Quốc Việt) ở Nhà máy Carông (nay là Xí nghiệp thảm len Hàng Kênh) và là người đã tuyên truyền, kết nạp đồng chí Hạ Bá Cang vào tổ chức thanh niên cách mạng. Trong hồi ký của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt sau này có kể lại: “Anh Nguyễn Đức Cảnh còn trẻ lắm, người mảnh khảnh, rất nhanh nhẹn và là một trong những đồng chí có trình độ lúc bấy giờ. Anh nói chuyện với tôi về lao động, về công nhân với tư bản, về giá trị thặng dư....Tôi nghe anh đến đâu thấm vào óc đến đấy”.

          Vào một ngày cuối tháng 3 năm 1929, Nguyễn Đức Cảnh cùng với 6 người con ưu tú của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội như: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu v.v... hẹn nhau bí mật đến số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội họp tuyên bố thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Tại cuộc họp này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng với đồng chí Ngô Gia Tự đã lần lượt báo cáo tình hình đấu tranh của công nhân ở các nhà máy và công xưởng, đặc biệt nêu lên vấn đề Tổ chức Công hội đã và đang phát triển mạnh mẽ ở các xí nghiệp và các thành phố lớn. Và để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, những cán bộ cách mạng trung kiên mà đại biểu xuất sắc là Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự... đã trực tiếp tham gia chỉ đạo một số cuộc bãi công lớn của công nhân.

          Ngày 01 tháng 6 năm 1926 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã lãnh đạo cuộc bãi công lớn của hàng nghìn công nhân các nhà máy Chai, nhà máy Tơ... ở Hải Phòng và đã giành thắng lợi tốt đẹp. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Nguyễn Đức Cảnh cùng với một số đồng chí đứng ra triệu tập cuộc hội nghị tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tại hội nghị này, Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được Trung ương phân công phụ trách công tác vận động công nhân. Lúc này, phong trào đấu tranh của công nhân đang phát triển mạnh mẽ, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của anh ngày đêm chuẩn bị mọi mặt để sớm triệu tập đại hội đại biểu công nhân toàn xứ, tiến tới thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Trong những ngày này, ngoài việc chuẩn bị viết báo cáo, văn kiện dự thảo, tài liệu... cho đại hội, Nguyễn Đức Cảnh còn đắn đo suy nghĩ xem họp ở đâu là an toàn nhất, đồng chí đã khảo sát nhiều cơ sở cách mạng và cuối cùng đi tới quyết định chọn hiệu thuốc lào Thuận Mỹ ở số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội làm địa điểm để họp. Từ ngày 28-7 đến ngày 30-7-1929, Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ đã họp tại Hà Nội. Hội nghị đã bầu ra ban chấp hành lâm thời gồm 7 đồng chí đứng đầu là Nguyễn Đức Cảnh. Sau hội nghị, Nguyễn Đức Cảnh được phân công phụ trách Báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ của Đảng. Khi tên đốc lý Hải Phòng là Kờ-rô-téc-me tổ chức một chiến dịch tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Đức Cảnh đã viết ngay một cuốn sách nhỏ nhan đề Trả lời Kờ-rô-téc-me, đập tan những luận điệu phản động của tên cáo già thực dân.

          Tháng 9 năm 1929, Nguyễn Đức Cảnh cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra đặc khu Cẩm Phả - Cửa Ông để kiểm tra tình hình đấu tranh và lo xây dựng, củng cố phong trào công nhân và tổ chức công hội đỏ ở vùng này. Qua chuyến đi, các đồng chí đã phát hiện được nhiều cán bộ trung kiên xuất thân từ giai cấp công nhân và đã tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin cho họ, kết nạp họ vào Đông dương Cộng sản Đảng. Đầu năm 1930, Nguyễn Đức Cảnh cùng với Trịnh Đình Cửu được cử là đại biểu đại diện cho Đông Dương Cộng Sản Đảng đáp tàu đi Liêm Châu - Hương Cảng để dự Hội nghị hợp nhất Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đại diện của Quốc tế cộng sản triệu tập. Tại hội nghị này, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được gặp vị lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc mãi mãi còn in sâu trong tâm trí anh trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng sau này.

          Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam phát triển lên một bước mới, nhất là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Để tăng cường cán bộ lãnh đạo cho phong trào đấu tranh đang diễn ra hết sức quyết liệt ở đây, cuối năm 1930, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương Đảng cử vào Trung Kỳ hoạt động và ngay lập tức anh được bầu vào Thường vụ xứ uỷ Trung Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn, Nguyễn Đức Cảnh đã đề ra được nhiều biện pháp tuyên truyền có kết quả trong công nhân và nông dân. Ngoài việc lãnh đạo công tác tuyên huấn, đồng chí còn trực tiếp viết nhiều bài báo, truyền đơn kêu gọi quần chúng đấu tranh, góp phần giữ vững tinh thần nhân dân duy trì phong trào, củng cố và xây dựng cơ sở vững mạnh.

          Tháng 4 năm 1931, Nguyễn Đức Cảnh bị bắt ở làng Yên Dũng Hạ, ngoại thành Vinh. Sở Mật thám Trung ương của Pháp biết Nguyễn Đức Cảnh là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nên chúng đã dùng nhiều đòn hiểm độc tra khảo suốt mấy tháng liền, hòng khai thác tin tức và tài liệu về Đảng và cách mạng nhưng Nguyễn Đức Cảnh vẫn kiên trung bất khuất, chúng đành đưa anh ra toà án và kết án tử hình. Trong những ngày chờ lên máy chém của quân thù. Nguyễn Đức Cảnh viết một bản tổng kết về phong trào công nhân và viết cuốn sách “Công nhân vận động” để gửi ra bên ngoài, tranh thủ truyền lại kinh nghiệm cho Đảng, cho đồng chí của mình. Mở đầu cuốn Công nhân vận động, đã nêu bật tầm quan trọng của công tác vận động công nhân. Đồng chí nêu rõ “Mục đích của Đảng Cộng sản là làm cách mạng vô sản, phá tan chế độ tư bản áp bức, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản... sự nghiệp vĩ đại ấy chỉ có giai cấp công nhân mới làm được”. Với giọng văn bút chiến đanh thép, cuốn sách đã được bí mật tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ thợ thuyền và dân cày nghèo. 04 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1932 tại Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh bình thản bước lên đoạn đầu đài và hi sinh anh dũng. Đồng chí ra đi lúc độ tuổi còn thanh xuân phơi phới, căng tràn nhựa sống và nhiệt huyết cách mạng. Đó là một tổn  thất lớn cho Đảng và phong trào công nhân – công đoàn ở nước ta. Song những gì mà Nguyễn Đức Cảnh đã làm cùng với các đồng chí cách mạng tiền bối của Đảng ta, của Công hội đỏ Bắc Kỳ lúc bấy giờ là những đóng góp hết sức to lớn và quý báu cho cách mạng nhất là cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và công đoàn nước ta trong buổi đầu sơ khai.

          Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào đón Xuân Mậu Tuất, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới và phát triển, đây là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây cũng là dịp để các cấp Công đoàn giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ đoàn viên, CBCCVCLĐ về sự cống hiến, đức hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của các lãnh tụ cách mạng tiền bối, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn về dân tộc Việt Nam anh hùng và Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

BBT

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”