CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!

Một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

15:37 30-06-16

MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN Ở CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH - SỰ NGHIỆP

        Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muốn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng, cán bộ là lực lượng tinh tuý của xã hội, có vị trí tiên phong, vừa là trung tâm của xã hội và có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta. Chính vì vậy, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, cần phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, có bản lĩnh và nhiệt tình với công việc. Để có đội ngũ cán bộ Công đoàn giỏi thì phải chú trọng, quan tâm đến công tác công tác đào tạo, bồi dưỡng - đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Công đoàn, nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

      Tổng Liên đoàn Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ, ngày 04/3/2010 về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010-2020”, trong đó xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.

Hiện nay, cán bộ công đoàn ở các cơ quan hành chính - sự nghiệp (HCSN) hầu hết đều kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo nghiệp vụ công đoàn, hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm, thói quen. Để khắc phục tình trạng này, các cấp công đoàn đã tăng cường tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn hoặc các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác Công đoàn cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ mới tham gia công tác công đoàn. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong những năm qua, công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cũng còn một số vấn đề cần phải khắc phục đó là:

Thứ nhất, đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn ở một số cơ quan, đơn vị việc bố trí thời gian chưa phù hợp so với nội dung tập huấn cần truyền tải đến cán bộ công đoàn. Có đơn vị làm còn hình thức, chưa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, kính phí dành cho tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam còn chưa đảm bảo (15%). Nhiều đơn vị số thu kinh phí ít nên không tự tổ chức đào tạo mà hoàn toàn phụ thuộc vào cấp trên.

Thứ hai, cán bộ công đoàn kiêm nhiệm nên bị động trong việc sắp xếp thời gian theo học các khoá đào tạo, tập huấn do công đoàn tổ chức. Cán bộ được cử đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa xác định rõ trách nhiệm của mình, chỉ có mặt những buổi đầu còn các buổi tiếp theo thường vắng mặt không tham gia nên tiếp cận với lý luận, kỹ năng, nghiệp vụ công đoàn không đầy đủ, khi về cơ sở tổ chức các nội dung hoạt động vẫn còn lúng túng.

Thứ ba, đối với giảng viên khi lên lớp trao đổi kiến thức, nghiệp vụ còn dàn trải, chưa phân biệt rõ đối tượng để hướng dẫn nghiệp vụ, bài giảng còn thiếu thực tế, thiếu kỹ năng, chưa lồng ghép một cách nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn nên chưa thu hút được người nghe.

Để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đúng mục đích, đúng đối tượng và nội dung phù hợp với từng đối tượng, tạo sự chủ động của đơn vị tổ chức đào tạo cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Xây dựng kế hoạch là việc làm cần thiết ở các cơ quan, đơn vị. Có kế hoạch đào tạo sẽ lựa chọn đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng yêu cầu cần đào tạo, tránh lãng phí về thời gian và kinh phí. Chủ động biên soạn bộ tài liệu những nội dung cơ bản có thêm phần tình huống thực tế là những nội dung cần thiết hướng dẫn hoạt động CĐCS. Nội dung tài liệu đào tạo thích hợp cho từng loại đối tượng: có nội dung cơ bản cho người mới tham gia, nội dung cho cán bộ cấp cơ sở, nội dung cho cán bộ cấp trên cơ sở, nội dung theo chuyên đề…

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong các cơ quan HCSN cần đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo trong hệ thống công đoàn cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, xác định nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng:

Yêu cầu về đào tạo, tập huấn cho cán bộ công đoàn rất nhiều, tuy nhiên cần thấy nội dung nào là cần thiết. Phải xác định đối tượng đào tạo để lựa chọn nội dung, chuyên đề ưu tiên trong đào tạo, tập huấn. Cán bộ công đoàn ở cơ sở có số lượng lớn, thường xuyên thay đổi, nhiều người mới được bầu làm công đoàn, chưa có khái niệm, hiểu biết về công đoàn, về chức năng nhiệm vụ của công đoàn, cho nên cần tập trung tập huấn cho nhóm đối tượng này.

Nội dung đào tạo tập huấn cho cán bộ CĐCS nhiều, nhưng có thể nhóm theo chuyên đề như sau:

- Nội dung cơ bản: Nội dung bắt buộc cần có đối với mỗi cán bộ công đoàn bao gồm: Tổ chức Công đoàn Việt Nam (sự hình thành, quá trình phát triển, chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ, nguyên tắc hoạt động của tổ chức công đoàn...). Hoạt động của công đoàn cơ sở (chức năng nhiệm vụ, nội dung hoạt động của CĐCS, nhiệm vụ và phương pháp làm việc của chủ tịch CĐCS, hoạt động của Tổ công đoàn...).

- Nội dung cần thiết cho cán bộ CĐCS: Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, với chức năng đại diện, bảo vệ người lao động, cán bộ CĐCS cần được trang bị những kiến thức pháp luật liên quan đến người lao động và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong nội dung về Luật công chức, Luật viên chức, Cam kết trách nhiệm tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, vai trò của công đoàn với công tác ATVSLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà tại cơ quan, đơn vị.

- Nội dung theo chuyên đề hoạt động: Đó là các nội dung cụ thể theo chuyên đề hoạt động của công đoàn: công tác thi đua, tuyên giáo, nữ công, kiểm tra công đoàn, giải quyết khiếu nại tố cáo, Điều lệ Công đoàn, đại hội công đoàn…. và các nội dung hướng dẫn hoạt động công đoàn tại cơ sở.

- Nội dung nghiên cứu, tham gia với chuyên môn: Những nội dung cần được phổ biến, nghiên cứu để tham gia với chuyên môn trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch như: Định hướng kế hoạch phát triển ngành, đơn vị, văn bản chính sách, hoạt động liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn...

Hai là, nội dung tập huấn phải phù hợp với đối tượng:

Mỗi một nội dung (bài) thường dài và có nhiều phần, tuỳ theo đối tượng tập huấn để có dung lượng phù hợp. Ví dụ: Với một lớp tập huấn cho tổ công đoàn, bài tổ chức Công đoàn Việt Nam bao gồm các phần lịch sử hình thành, quá trình phát triển, tính chất vị trí vai trò chức năng, mô hình tổ chức, nguyên tắc phương pháp hoạt động... không cần giới thiệu chi tiết các phần mà chỉ nên tập trung giới thiệu sơ đồ về mô hình tổ chức công đoàn để người học biết được khái quát về tổ chức Công đoàn, bài hoạt động công đoàn cơ sở chỉ cần đi sâu vào phần hoạt động của Tổ công đoàn.

Như vậy tài liệu có đầy đủ các phần, các bài nhưng tuỳ thuộc vào đối tượng, thời gian tập huấn mà sử dụng phần nào, dung lượng bao nhiêu cho phù hợp.

Ba là, tài liệu tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng:

Cần thống nhất biên soạn bộ tài liệu. tài liệu giảng dạy cần nghiên cứu, xác định cho từng loại đối tượng, đặc biệt ở cơ sở cán bộ công đoàn hầu hết kiêm nhiệm, với nhiều trình độ khác nhau nên cách viết phải đơn giản, ngắn gọn, hạn chế dùng các thuật ngũ, từ chính trị khó hiểu. Trong bài giảng nên có phần bài tập tình huống phù hợp nội dung bài học để học viên tham khảo áp dụng vào thực tế tại cơ quan, đơn vị.

Bốn là,  phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn:

Cần sử dụng các phương pháp tích cực trong đào tạo, tập huấn là phương pháp tối ưu hiện nay. Với phương pháp này sẽ không gây nhàm chán, nặng nề trong mỗi buổi học và chất lượng tiếp thu bài giảng thông qua làm việc, thảo luận nhóm được nâng cao. Song phương pháp này có khó khăn khi tổ chức tập huấn cho số lượng đông, với thời gian hạn chế. Mặt khác để thay đổi phương pháp tập huấn sẵn có từ lâu là điều không dễ dàng, vì vậy cần có sự ủng hộ từ các cấp công đoàn, đặc biệt BCH, lãnh đạo công đoàn các cơ quan, đơn vị và sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên về giảng viên, về điều kiện thực hiện các lớp tập huấn theo phương pháp tích cực.

Tóm lại, cần thiết phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Trong bối cảnh hiện nay không những chú trọng đến công tác đào tạo mà cần phải đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu và thích ứng với sự phát triển của tổ chức Công đoàn trong quá trình hội nhập chung của đất nước.

   Lương Văn Khương

                                            Ủy viên Ban Chấp hành

                                          Công đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”