Về dự diễn đàn có các đại biểu: Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đồng chí Phạm Tất Thắng, - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội…
Đặc biệt, 450 cán bộ, đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, trong đó có 95 công nhân lao động tiêu biểu về sức sáng tạo, năng suất cao được lựa chọn từ các ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước mang theo tâm huyết, trách nhiệm của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn, gần 18 triệu công nhân lao động cả nước tham dự Diễn đàn.
Diễn đàn là cơ hội để các cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động phát huy vai trò và trách nhiệm trong đề xuất, kiến nghị, hiến kế các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Diễn đàn là hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi, thiết thực được các cấp Công đoàn tổ chức trên khắp mọi miền đất nước trong Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024). Đây cũng là dịp để cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân lao động cùng các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn của năng suất lao động và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, trong đó có giải pháp phát huy vai trò của người lao động trong nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Trước khi tổ chức diễn đàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tổng hợp, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo các nội dung trên. Cũng dịp này, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa 2 bên năm 2024, trọng tâm phối hợp công tác năm 2024 và một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn với Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn và Hội nghị tạo điểm nhấn trong các hoạt động của Tháng Công nhân năm 2024, là hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Thực hiện Thông báo số 77-TB/TW ngày 24/2/2012, kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đồng ý tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân, từ năm 2016, các chương trình gặp gỡ, đối thoại, trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn cả nước đã trở thành hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội giải quyết các vấn đề của công nhân, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Tháng Công nhân cũng là dịp tuyên truyền sâu rộng vai trò, sứ mệnh và tiếp tục phát huy, khẳng định vị trí tiên phong, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng là sự cụ thể hóa nội dung thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN. Trong những năm qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đã phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng và triển khai Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn năm 2019-2023” đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho hay: “Đứng trước yêu cầu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế -xã hội nhiệm kỳ 2021-2026 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra, tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn với Chính phủ, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929-28.7.2024), Tổng LĐLĐVN tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” với mong muốn Diễn đàn là dịp để công nhân, viên chức, công chức, cán bộ công đoàn và các doanh nghiệp ở các vị trí khác nhau cùng trao đổi, bàn thảo, đánh giá về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân và điểm nghẽn”. Đặc biệt là các đề xuất, kiến nghị, hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp tục thúc đẩy nâng cao năng suất lao động chủ yếu từ giác độ người lao động. Diễn đàn kính mong nhận được sự chia sẻ, đánh giá và thông điệp được truyền đi từ Thủ tướng Chính phủ đến người lao động cả nước về vấn đề nâng cao năng suất lao động.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Nguyễn Đình Khang đã trân trọng cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ban, Bộ, Ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm, dành thời gian tham dự Diễn đàn. Cảm ơn Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhiệt tình để tổ chức Diễn đàn và Hội nghị.
Tại diễn đàn, 10 đại biểu tiêu biểu đã tham luận, trao đổi những vấn đề thực trạng, thuận lợi, khó khăn, đồng thời đề xuất nhiều nội dung, giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng suất lao động trong các ngành, nghề hiện nay. Trong đó đánh giá năng suất lao động hiện nay:
- Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, năng suất lao động được đo bằng giá trị gia tăng được tạo ra (trong một năm) của mỗi người lao động. Tăng năng suất lao động được tính bằng mức tăng giá trị gia tăng được tạo ra trên mỗi lao động qua thời gian, thường được thể hiện dưới dạng phần trăm tăng trưởng. Năng suất lao động có thể được đo lường ở các mức độ khác nhau: Ở cấp quốc gia; cấp ngành (nông nghiệp, sản xuất...) hoặc cấp doanh nghiệp của các đơn vị sản xuất. Ở cấp độ quốc gia, cách đo lường năng suất lao động phổ biến nhất là lấy tổng giá trị gia tăng được tạo ra chia cho tổng số việc làm.
- Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).
- Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022). Năng suất lao động năm 2022 theo giá hiện hành đạt 188,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,8% so với năm trước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tổng kết Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì đã tổ chức diễn đàn rất đúng, trúng và cần thiết với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, rất tích cực, phản ánh rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong nâng cao năng suất lao động; đưa ra những mô hình tốt, cách làm hay; đặc biệt là đề xuất, kiến nghị những giải pháp sâu sắc, cụ thể. Đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ các kiến nghị đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, nhân diễn đàn quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và toàn thể người lao động cả nước. Trong thế giới ngày nay, tăng năng suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động: Tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng (cụ thể: Đại hội XII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5%/năm cho giai đoạn 2016-2020; Đại hội XIII đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm cho giai đoạn 2021-2025). Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng suất lao động của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập.
Thủ tướng cho biết, tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống người lao động, nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Đạt được những kết quả quan trọng trên đây là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự nỗ lực của từng người lao động, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ đội ngũ công nhân, người lao động trên cả nước trong việc hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tăng năng suất lao động
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tăng năng suất lao động, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp cùng chung tay tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng năng suất lao động theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động. Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn.
Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hoá nông nghiệp.
Sáu là, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đãi ngộ về tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao đặc biệt là nhà ở.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động; Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ và phát triển kĩ năng nghề, kỹ năng sống cho người lao động; Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng DN, nhà đầu tư, người lao động, nhà nghiên cứu và kiến nghị giải pháp phù hợp. Chú trọng công tác thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc. Đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động, tôn vinh người lao động.
Thủ tướng Chính phủ kết luận: Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong phát triển, xây dựng đất nước nhanh, bền vững. Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Công đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng quà 95 đoàn viên, người lao động tiêu biểu có năng suất lao động cao.
Thái Hòa