CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!

NHỮNG NĂM TỴ GHI DẤU ẤN THẾ KỶ XX

04:24 22-01-25

Một trăm năm cuối của Thiên niên kỷ thứ hai vừa qua đối với dân tộc Việt Nam ta là một thế kỷ hào hùng, mang tầm vóc và ý nghĩa to lớn của thời đại. Bởi chính thế kỷ XX đã mở ra một kỷ nguyên mới và một thời đại mới cho dân tộc ta: đó là Thời đại Hồ Chí MinhKỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và thời gian, dù chỉ luôn hiện hữu như một khách thể của vũ trụ bao la thì vẫn là một minh chứng hùng hồn ghi dấu son đậm nét với những sự kiện trọng đại trong tiến trình cách mạng của dân tộc, của đất nước. Những mốc thời gian: 1911, 1930, 1941, 1945, 1954, 1975, 1986 ...đã và sẽ mãi trở thành những năm tháng không thể nào quên đối với các thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.

Điểm lại suốt chặng đường dài của thế kỷ XX, ta chợt nhận ra một điều: có những năm Tỵ có ý nghĩa vô cùng to lớn với cuộc trường chinh lâu dài và anh dũng của dân tộc. Nhân buổi đầu xuân Ất Tỵ 2025, xin được điểm qua đôi nét về những mốc son năm Tỵ đó.

          Nửa cuối thế kỷ XIX của lịch sử dân tộc ta là một trang sử bi hùng, đầy đau thương uất hận, khi những thước đất cuối cùng của Tổ quốc dần dần bị rơi vào tay bọn xâm lược thực dân, thì những người con kiên trung bất khất vẫn phất cao ngọn cờ yêu nước, đứng lên đấu tranh. Và khi những tờ lịch cuối cùng của thế kỷ XIX đã được bóc đi thì thực dân Pháp về cơ bản đã bình định xong Việt Nam và bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam bắt đầu thế kỷ XX trong đêm tối nô lệ dưới ách thực dân.

          Năm Tỵ đầu tiên 1905 của thế kỷ XX đã chứng kiến một phong trào yêu nước và cách mạng mới rầm rộ nổ ra dưới sự lãnh đạo của các nhà ái quốc là những sỹ phu yêu nước như : Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Hồ Tá Bang…Phong trào có tên là Cuộc vận động Duy tân. Trong vòng gần 10 năm trời (1905-1912) cùng với các phong trào yêu nước khác như: Phong trào Đông Du.... Cuộc vận động Duy Tân đầu thế kỷ đã thu hút sức chú ý và lôi kéo hàng chục vạn nhân dân ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam hưởng ứng, tham gia. Thực chất của Phong trào Duy tân không chỉ là cổ súy cho cái mới, cho việc truyền bá chữ Quốc ngữ, mà còn công khai phê phán xã hội phong kiến, tính bảo thủ của Nho Giáo và những phong tục, tập quán lạc hậu, và dẫu rằng cuối cùng thất bại, nhưng Phong trào Duy Tân cũng đã đi vào lịch sử dân tộc như là một cuộc vận động xã hội-chính trị rộng lớn, một quá trình chuẩn bị về tinh thần, về tư tưởng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng dân tộc - dân chủ trong thời đại mới.

          12 năm sau, Đinh Tỵ 1917, khi mà ở nước Nga xa xôi đã nổ ra cuộc cách mạng long trời lở đất, đó là Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, thì ở Việt Nam cũng đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn). Mặc dù cuộc khởi nghĩa Thái nguyên chỉ tồn tại chưa đầy nửa năm trời, song những nghĩa sĩ dưới ngọn cờ “Nam binh phục Quốc” thời đó cũng đã làm cho thực dân Pháp phải đau đầu, mất ăn, mất ngủ.

          Năm Kỷ Tỵ tiếp theo 1929 là năm có nhiều sự kiện thật đặc biệt. Phong trào cách mạng ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng đã phát triển lên một cao trào mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử của mình. Vào tháng 3-1929, những người con ưu tú nhất của giai cấp công nhân Việt Nam đã đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số 5D Hàm Long, Hà Nội. Không bao lâu sau, ngày 17/06/1929 Đông Dương cộng sản Đảng thành lập, rồi tháng 8 năm ấy thành lập An Nam cộng sản Đảng và tháng 9/1929, Tuyên đạt thành lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Để rồi vào ngày 3/2/1930 ba tổ chức cách mạng Việt Nam nói trên đã họp tại Cửu Long (Hương Cảng-Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng Chí Nguyễn Ái Quốc để hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Mùa xuân năm Tân Tỵ 1941 đã chứng kiến một sự kiện trọng đại: đó là ngày 8/2/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba nước ngoài, đã trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Cột mốc 108 và núi rừng biên giới Việt Trung là những chứng nhân đầu tiên chứng kiến bước chân của một người con xa quê mẹ đã 30 năm để “đi tìm hình của nước”. Cuộc hành trình đã dài 3 thập kỷ-từ khi anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, là một cuộc hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy, song cũng đầy ắp những câu chuyện đẹp như những huyền thoại. Và sự ra đời của mặt trận Việt-Minh (tháng 5/1941) cũng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, mở đầu cho một cao trào mới:“đánh Pháp đuổi Nhật”, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân.

          Mười hai năm sau, Quý tỵ 1953 đã mở màn cho Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Quân và dân ta đã tiến nhanh về Tây Bắc, bao vây & cô lập thực dân Pháp ở Lai Châu, buộc chúng phải co cụm về Điện Biên Phủ, để rồi mùa hè năm 1954, quân và dân ta đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, làm lên một chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

          Mùa xuân Ất tỵ 1965 cả nước bước vào cuộc chiến tranh không cân sức chống Đế quốc Mỹ xâm lược. Đầu năm đó, những phong trào yêu nước sôi nổi nhất đã được phát động thu hút hang vạn hang triệu người tham gia đó là phong trào: “Ba sẵn sàng” và phong trào “Ba đảm đang”. Nó cũng đã mở đầu cho một ý chí, một quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam.

          Năm Đinh Tỵ 1977, hai năm sau khi tổ quốc ta được thống nhất, cả nước ca khúc khải hoàn, bắt đàu thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày 20/9 năm ấy, Việt Nam chính thức trở thành thành viền thứ 149 của Liên Hiệp Quốc.

12 năm sau, Xuân Kỷ Tỵ 1989 là những tháng năm đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nền kinh tế đã đang đứng trước muôn vàn khó khăn và thử thách, vậy mà Đảng ta đã vững tay chèo lái, đưa con thuyền dân tộc ta vượt qua sóng gió nguy hiểm tưởng chừng không sao vượt qua nổi, để cho đến hôm nay, bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đã tạo ra được thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam vững bước đi lên.

Giờ đây bình tâm mà xem xét, chắc mỗi chúng ta ai cũng có chung một nhận định là: Thế kỷ XX đối với đất nước ta là một thế kỷ đầy biến động dữ dội và cũng đầy ắp những sự kiện lớn lao. Có phải ngẫu nhiên hay không mà lịch sử dân tộc ta mở đầu thế kỷ XX  là Phòng trào Duy tân và kết thúc lại là Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tất nhiên cả ở hai định danh đó, con người và xã hội đã thay đổi rất nhiều để phù hợp với những quy luật khách quan của sự vận động xã hội, của lịch sử. Thêm vào đó, thế kỷ XX, phần cuối của nó lại tiếp cận với một cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 3, sản phẩm của văn minh trí tuệ và kỷ nguyên thông tin... đó là nền kinh tế tri thức của nhân loại. Nhận biết để mà sớm hòa nhập được với nó quả là không ít khó khăn, niều thách thức và đòi hỏi cả một dân tộc phải cố gắng và nỗ lực phi thường.

Những năm Tỵ trong thế kỷ XX quả là có nhiều sự kiện thật trọng đại và có ý nghĩa hết sức to lớn, đã góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Bước sang Xuân năm Tân Tỵ của thế kỷ 21, năm 2001 đã đánh dấu một sự kiện lớn lao, đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IX. Đại hội đã để vạch kế sách, đường lối, chiến lược xây dựng nước nhà trong giai đoạn cách mạng mới: Giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển.

Hướng tới năm Ât Tỵ 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: K niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, 135 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tròn 80 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam và là năm tiến tới Đại hội Đảng các cấp; tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chính phủ ta xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, vượt chướng ngại vật để về đích; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Quán triệt, triển khai Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. (Hà Nội, ngày 01/12/2024)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc (tại toà Nhà Quốc hội), ngày 01/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm: Hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, đất nước đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc và đây cũng là thời điểm, thời cơ; sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 vấn đề cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới; Tổng Bí thư cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đã đủ thế và lực, ý chí và quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới, không thể chậm trễ hơn.

Tự hào về truyền thống của cha ông, về những gì đã đạt được trong thế kỷ XX và hơn 2 thp kỷ của Thế kỷ 21 vừa qua, chúng ta càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, vào con đường đi lên CNXH vì một ngày mai tươi sáng./.

BBT

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”