CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!

Những nội dung mới về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc

16:06 17-04-19

Kính gửi chuyên mục Tư vấn pháp luật Công đoàn Viên chức Việt Nam! Tôi hiện là phó chủ tịch công ty TNHH 1 thành viên. Tôi muốn chuyên mục tư vấn cho tôi về những nội dung mới về thực hiện dân chủ ở nơi làm việc theo pháp luật hiện hành?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới chuyên mục tư vấn câu hỏi của bạn chúng tôi  tư vấn như sau:  

Ngày 07/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thay thế Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định số 60/2013/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 149/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Nghị định 149/2018/NĐ-CP và những điểm mới hơn so với Nghị định số 60/2013/NĐ-CP  như sau:

Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là người sử dụng lao động). Nghị định không áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định 149 là: Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch. Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động. Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Nghị định 149 còn quy định rõ 7 nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc liên quan, trong đó quan trọng là nội dung: Người sử dụng lao động phải công khai, người lao động được tham gia ý kiến và được quyết định, được kiểm tra, giám sát.

Cụ thể: Người sử dụng lao động phải công khai các thông tin trích nộp kinh phí công đoàn, phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nội quy, quy chế liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thỏa ước lao động tập thể, việc trích lập hay sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại….

Người lao động được tham gia ý kiến liên quan về: Công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong đó, người lao động được tham gia ý kiến về công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động;… là điểm mới của quy định này.

Người lao động được quyết định, được kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động.

Hình thức thực hiện dân chủ theo Nghị định 149 là thông qua các hệ thống thông tin nội bộ, hòm thư góp ý kiến; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hay các hình thức khác do doanh nghiệp quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.

CS-PL

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”