Tranh Đông Hồ - tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng
tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng tranh Đông Hồ - tỉnh Bắc Ninh. Có rất nhiều bức tranh dân gian cổ về trò chơi con trẻ. Ông cha ta tài hoa đã để lại một tài sản văn hóa thật thanh tân.
Bức tranh với bố cục chặt chẽ, chia làm hai mảng hình, mảng trên gồm 4 con chuột đang tiến đến trước mặt con mèo đại; con chuột già đi đầu, hai “tay” đưa chim bồ câu ra dâng lễ nhưng sợ rụt cả cổ, quặp cả đuôi, co rúm người lại. Con chuột già thứ hai tuy đầu có ngẩng cao hơn nhưng vẫn khom cong lưng, hai “tay” run run, móng vuốt lóng ngóng, làm tuột cả lễ vật cá chép là những thứ mà mèo ta rất thích. Con chuột thứ ba cũng là chuột già, thổi kèn, mắt vẫn liếc xem thái độ của mèo già. Con thứ tư là chuột non cũng thổi loại kèn sâu, còng lưng, khúm núm. Bốn con chuột ở hàng trên có hình dáng, đường nét và các mảng màu sắc khác nhau đã tạo nên một sự đa dạng cho người xem.
Những hàng chữ Hán được thêu ở phía trên, từ trái sang phải: Thủ thân (giữ thân), Lão thử (chuột già), Tác lạc (thổi kèn); giữa con chuột đi đầu và mèo có chữ Cống lễ (đem đồ biếu) phía góc phải là chữ Miêu (mèo) đã giúp cho người xem tranh biết rõ thêm là họ nhà chuột đem đồ cống lễ đến biếu mèo già. Góc phải là hình một con mèo già, thật lớn, ngồi chỗm một phía, được phóng to 1ên vượt cả con ngựa ở góc phải phía dưới. Con mèo già được tạo bởi những đường cong vặn vẹo, lắt nhắt, giơ một ''tay'' trước như để giao tiếp, những nét, vẻ dáng mặt, chân và vuốt được khuếch đại làm nổi bật bản chất tâm địa độc ác với bộ điệu giả dạng nhân từ hiền lành.
Mảng hình bên dưới gồm tám chú chuột ''chú rể''cưỡi ngựa nâu đi đầu, đầu đội mũ, ngoái cổ lại nhìn về phía sau, mõm nghểnh lên như đầy thấp thỏm. Người vẽ còn chú thích thêm chữ “Giai tế” (chú rể) và trong cái biển do chuột thứ ba vác có hai chữ ''Nghênh hôn'' (rước dâu) giúp người xem khẳng định rõ đây là một đám cưới của họ nhà chuột. Chuột thứ hai đứng thẳng cầm lọng che cho chú rể, chăm chú nhìn về phía trước, không khúm núm như ở hàng trên. Chuột ''cô dâu'' ngồi kiệu do bốn chuột khiêng, hai chuột khiêng đi trước mắt thẳng. Hai chuột khiêng sau cùng với chuột vác biển đều quay đầu nhìn lại phía sau, nét mặt đều nhớn nhác, lo sợ không an tâm vì không biết mèo già có đồng ý nhận lễ mà ngơ cho đám cưới chuột không. Ngay chuột cô dâu ngồi trong kiệu vấn khăn che mất hai tai như con mắt cũng thể hiện nét bồn chồn phấp phỏng. Phía sau chiếc kiệu của cô dâu chuột, nghệ nhân dân gian còn điểm 5 chấm nhỏ tượng trưng cho Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Phía trên của bức tranh có hai chú chuột mang lễ vật thì chú chuột đi đầu được vẽ màu nâu đỏ (= dương) ôm con chim (chim bay trên trời, dương), chuột đi sau thân mình đen (= âm) xách cá (cá bơi dưới nước, âm). Những chi tiết này thể hiện nguyên lý âm dương hòa hợp.
Người nghệ sĩ đã dùng hình tượng chuột - mèo để ám chỉ, đả kích. Vị quan Mèo Tam Thể đại diện cho phú quý, quyền lực sống dựa vào bóc lột, tính nết lười biếng, luôn đòi hỏi hưởng thụ. Kế đến họ hàng nhà chuột đủ các thành phần là biểu tượng bè phái, trộm cắp phá hoại kinh tế bị nhân dân căm ghét lên án.
Bức tranh là đỉnh cao của loại tranh châm biếm, hài hước, giản dị mà xúc tích, hóm hĩnh mà tươi vui nhằm bóc trần thói tham lam tà bạo của giai cấp thống trị ngày xưa. Cám ơn người nghệ sĩ tài hao đã đóng góp thêm cho tiếng cười ngày Xuân thêm sảng khoái, đánh thức tinh thần cảnh giác của nhân dân.
Tết đến, Xuân về nhà nhà, cơ quan đơn vị treo tranh "Đám cưới chuột”, như một lời cảnh báo, nhắc nhở và dăn dạy những người có chức có quyền nên sống sao cho phải đạo, nó cũng là lời nhắc nhở động viên đầy tính nhân văn, hiện thực và giàu tính chiến đấu, nó cũng là lời dăn dạy cho các thế hệ trẻ trong gia đình biết đối nhân xử thế.
Bài, ảnh PHONG HÒA