Tham dự buổi làm việc có đồng chí Mai Tiến Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam,… Về phía Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam có đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu và các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, đánh giá công tác phối hợp giữa Chính phủ và Công đoàn ngày càng được tăng cường, đạt được những kết quả thiết thực, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn với Đảng, Nhà nước; buổi làm việc giữa hai cơ quan có ý nghĩa lớn, trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đang được đẩy mạnh triển khai, để từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng, cơ bản của người lao động trên mọi miền Tổ quốc. Đoàn viên công đoàn được tạo điều kiện, hỗ trợ trong phạm vi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và Tổng Liên đoàn”. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ nhiều vấn đề cần đặt ra và mong muốn tại buổi làm việc sẽ làm tốt hơn các thiết chế công đoàn ở nhiều nơi, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, nhất là vấn đề nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019 - 2020. Trong đó nêu rõ: thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lao động - xã hội. Nhiều ý kiến của tổ chức Công đoàn đã được các cơ quan chủ trì, soạn thảo xem xét nghiên cứu tiếp thu, một số nội dung như: Đề xuất nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Công đoàn năm 2012 (sửa đổi); tham gia xây dựng các Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, chính sách Bảo hiểm xã hội; Tham gia tích cực và chủ động với vai trò thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng năm 2020 là tăng 5,5%; Phối hợp đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động, đặc biệt là các chương trình phúc lợi, xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn; Chương trình Tết Sum vầy là hoạt động sáng tạo, ý nghĩa, được tổ chức tại nhiều điểm, nhiều cấp, nhất là tại cơ sở, trở thành ngày hội thực sự của đoàn viên, người lao động, thông qua chương trình đã chăm lo, thu hút trên 510.728 đoàn viên; Đặc biệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” theo Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xúc tiến ở các địa phương tập trung đông công nhân, lao động. Tổng Liên đoàn đã tích cực làm việc với 33 tỉnh, thành phố để thống nhất quỹ đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế Công đoàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại tỉnh Hà Nam, dự kiến trong quý IV/2019 sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên cho đoàn viên là công nhân, lao động; Hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động và các phong trào thi đua do công đoàn phát động, …
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi khi triển khai, thực hiện, còn có một số nội dung công việc được Thủ tướng kết luận nhưng trong quá trình phối hợp thực hiện vẫn khó khăn vướng mắc, chưa đạt nhiều kết quả. Cụ thể như: Về hỗ trợ cơ chế chính sách liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn; tăng nguồn vốn ngân sách để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 Thiết chế của Công đoàn... triển khai khó đạt được theo như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc này do trong quá trình thực hiện Đề án chịu sự điều chỉnh cùng nội dung của nhiều bộ Luật, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... và thực tế khó khăn huy động vốn để triển khai Đề án từ các nguồn: vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi và cơ chế chính sách để huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với một số bộ, ngành liên quan còn chậm, nên khi triển khai thực hiện hiệu quả chưa cao.
Từ những kết quả đã đạt được và những vấn đề còn vướng mắc, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đình Khang đưa ra những trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020 giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn. Trong đó đẩy mạnh phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nguồn vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện “Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất’, vì mục tiêu "công nhân có nhà ở", 'bảo vệ quyền lợi của người lao động".
TNK