Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ GD&ĐT ký kết chương trình phối hợp
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN với Bộ GD&ĐT về nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2014 – 2020 (gọi là Chương trình 1583), Tổng LĐLĐVN chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13.02.2015 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Thực hiện Đề án, nhiều tỉnh, thành phố truyền thông, khảo sát mặt bằng trình độ CNLĐ, vận động doanh nghiệp tạo điều kiện cho công nhân lao động học tập, chỉ đạo phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hằng năm… Một số tỉnh đã hỗ trợ kinh phí nhất định để các cấp công đoàn triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Theo đánh giá, Chương trình đã thực hiện được mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn, đội ngũ giáo viên, công nhân lao động về học tập cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện được các nhiệm vụ của Chương trình 1583, nhất là bước đầu biên soạn được tài liệu nguồn; từng bước thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, đưa nhiệm vụ này vào nghị quyết hội nghị người lao động hoặc vào thỏa ước lao động tập thể; vận động công nhân lao động học hoàn thiện trình độ trung học phổ thông, học nâng cao tay nghề, hiểu biết pháp luật, học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong quá trình tuyên truyền; xây dựng được một số mô hình tuyên truyền tại cơ sở…
Các cấp công đoàn từng bước thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ: đưa nhiệm vụ này vào nghị quyết hội nghị người lao động hoặc vào thỏa ước lao động tập thể, vận động xây dựng quỹ khuyến học hỗ trợ công nhân lao động; phối hợp tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ, bảng tin, tờ tin… cho công nhân lao động tại doanh nghiệp; đào tạo nghề cho công nhân lao động; tổ chức thi tay nghề, thi thợ giỏi; tuyên truyền miệng về pháp luật, về học tập suốt đời cho công nhân lao động tại doanh nghiệp…
Một trong những mục đích, yêu cầu Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2026 là phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ công nhân lao động trong doanh nghiệp học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; các chính sách đối với đoàn viên công đoàn là giáo viên, nhân viên ngành giáo dục-đào tạo và là cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu đưa nội dung giáo dục lý luận về công nhân và công đoàn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, nhất là giáo dục đại học; phối hợp quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các trường đại học thuộc Tổng Liên đoàn; đề xuất cơ chế, chính sách phát triển các trường học tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học.
Trong nội dung phối hợp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Đề án thành phần “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”; thực hiện nhiệm vụ tại Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ trong các cơ sở giáo dục của tổ chức Công đoàn.Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về học tập suốt đời, nâng cao trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học (gọi chung là nâng cao trình độ), kỹ năng nghề nghiệp trong công nhân, viên chức, lao động, trong đó có đội ngũ nhà giáo, góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hai bên cũng sẽ phối hợp nghiên cứu đề xuất chính sách đối với đoàn viên công đoàn là giáo viên, nhân viên ngành giáo dục-đào tạo và cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu đưa nội dung giáo dục lý luận về công nhân và công đoàn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, nhất là giáo dục đại học; phối hợp quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các trường đại học thuộc Tổng Liên đoàn; đề xuất cơ chế, chính sách phát triển các trường học tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học.Tổ chức các hoạt động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp như Tuyên truyền, vận động công nhân lao động chưa hoàn thiện chương trình trung học phổ thông học hoàn thiện chương trình và tốt nghiệp trung học phổ thông; tuyên truyền, vận động công nhân lao động chưa hoàn thiện chương trình trung học phổ thông học hoàn thiện chương trình và tốt nghiệp trung học phổ thông; phối hợp tổ chức công tác giáo dục pháp luật và kỷ luật lao động cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp.Tạo điều kiện cho các trường đại học thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát triển và tổ chức có hiệu quả chương trình giáo dục sau đại học cho cán bộ công đoàn tại các địa phương, ngành, góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, với nhận thức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2014-2020 nhằm nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân, viên chức, lao động. Hai cơ quan đã tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của CNVCLĐ, trong đó có đội ngũ giáo viên về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật; phối hợp biên soạn tài liệu tuyên truyền; từng bước đa dạng hình thức, nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trung tâm giáo dục thường xuyên của ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục đào tạo của tổ chức Công đoàn; phối hợp chỉ đạo trường Đại học Công đoàn và Đại học Tôn Đức Thắng đổi mới nội dung, phương thức đào tạo theo hướng hiệu quả, thiết thực; phối hợp giải quyết một số vấn đề phát sinh tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng; vận động, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện công tác nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của CNVCLĐ; xây dựng được một số mô hình tuyên truyền tại cơ sở. Đặc biệt, trong thời gian qua, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, hai cơ quan đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong quá trình tuyên truyền, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức cho CNVCLĐ, giáo viên và học sinh.
Bộ GD&ĐT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam
Nhân dịp này Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam cho 10 lãnh đạo, cán bộ Tổng LĐLĐVN, trong đó có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Tổng LĐLĐVN tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam cho 8 lãnh đạo, cán bộ của Bộ GD&ĐT.
DVD