CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!

Xây dựng niềm tin với bạn đọc, báo chí hiện đại cần: Chuyên nghiệp, công bằng, đa chiều và luôn thẩm định thông tin

16:14 14-06-19

Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tại buổi Tọa đàm “Đạo đức nghề báo” do Công đoàn Trung ương Đoàn tổ chức ngày 10/6/2019. 

Tọa đàm đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn và đoàn viên thanh niên là phóng viên, biên tập viên các đơn vị khối báo chí, xuất bản trực thuộc cơ quan Trung ương Đoàn tham gia. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu được nghe nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong; nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập báo Thanh niên chia sẻ, trao đổi một số nội dung bổ ích xoay quanh vấn đề “Đạo đức nghề báo” trong giai đoạn hiện nay.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, hiện nay, mỗi người lên mạng Internet đều ngụp lặn trong bể thông tin. Độc giả “bị ngộ độc thông tin” trước sự xuất hiện ngồn ngộn nhưng tin tức tiêu cực, rẻ tiền về: Cướp, giết, hiếp… khiến họ bị mất niềm tin vào báo chí và “ngắt kết nối”. Bên cạnh đó, đạo đức của một bộ phận phóng viên có nhiều vấn đề, thậm chí có hoạt động tống tiền doanh nghiệp, cơ quan công quyền và người dân. Tuy nhiên, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí chính thống đang lấy được niềm tin của độc giả, vì họ cần những thông tin chính xác. Do đó, để xây dựng niềm tin với bạn đọc, báo chí hiện đại cần: Chuyên nghiệp, công bằng, đa chiều và luôn thẩm định thông tin…..

Nhà báo Lê Xuân Sơn cho rằng, tình trạng tha hóa báo chí thể hiện qua niềm tin, thái độ của công chúng. Báo chí đang dần mất đi niềm tin ở xã hội qua những việc làm như: Đưa thông tin một cách chủ ý, lặp đi lặp lại những chuyện đã xử lý và khắc phục hậu quả từ lâu dù bây giờ có thể họ làm rất tốt và cuối cùng là làm báo theo kiểu quan toà nghĩa là cho rằng họ làm sai và không thể tha thứ; trong giai đoạn hiện nay nên có cơ chế khuyến khích phóng viên có những bài viết tích cực, gương “người tốt, việc tốt”, để cân bằng “mặt tối, mặt sáng” trên báo chí….

Chia sẻ ý kiến tại buổi Tọa đàm, nhà báo Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, bốn yếu tố để tạo nên một cơ quan báo chí lành mạnh đó là: Công chúng, nội dung tốt; kinh tế báo chí tốt và thương hiệu mạnh; tờ báo càng đàng hoàng lịch sự tử tế thì bạn đọc càng trân trọng yêu quý, doanh nghiệp tin cậy, do đó hãy hành nghề  nhân đạo, tử tế bởi vì một  bài viết sẽ có tác động rất lớn đến mỗi doanh nghiệp, gia đình hay một cá nhân. Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo cho rằng,  nếu doanh nghiệp có sai hãy thẳng thắn sửa sai mang lại lợi ích cho khách hàng; nếu doanh nghiệp không sai mà báo chí gây khó dễ, thì hãy ứng xử văn minh, có thể nhờ đến pháp luật xử lý; doanh nghiệp đừng tiếp tay cho những hành động không đúng đắn của một bộ phận báo chí…..

Đây là hoạt động có nghĩa của Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn nhân dịp chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò của Công đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, CBCCVCLĐ  thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị và của Cơ quan Trung ương Đoàn. Thông qua buổi Tọa đàm giúp cho phóng viên, biên tập viên các đơn vị khối báo chí, xuất bản trực thuộc Cơ quan Trung ương Đoàn nâng cao nhận thức và đi đến hành động thực hiện các quy định của đạo đức nghề báo, hướng đến xây dựng báo chí cách mạng phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Hà Trang

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”