Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc để mỗi cán bộ, đoàn viên nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng, những đóng góp to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam qua những chặng đường lịch sử trong 90 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời là dịp giúp cho cán bộ, đoàn viên công đoàn hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam. Từ đó mỗi đoàn viên công đoàn tự xác định trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước và ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau 2 tháng phát động đã có hơn 400 đoàn viên công đoàn của 42 tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Bộ VHTTDL tham gia cuộc thi. Công đoàn Bộ đã thành lập Ban Giám khảo gồm những người có trình độ, uy tín và am hiểu sâu về Công đoàn Việt Nam (như Tiến sỹ Nguyễn Thị Thùy Yên, Phó Trưởng khoa Lý luận, Nghiệp vụ Công đoàn, Trưởng Đại học Công đoàn), về Công đoàn Viên chức Việt Nam (Thạc sỹ Phan Phương Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam), Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Đ/c Trần Huy Toản, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ) chấm bài.
Ban Giám khảo đã đánh giá cao về cách trình bày khoa học, mỹ thuật, công phu, ấn tượng, sáng tạo, thể hiện sự nghiêm túc của đa phần các bài dự thi, các thí sinh đã đầu tư in ấn bài thi đẹp, nhiều hình ảnh minh họa phù hợp, sát với nội dung bài thi. Có bài thi như một công trình nghiên cứu khoa học về Công đoàn Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam, có thể làm tài liệu dùng để tra cứu cho cán bộ, đoàn viên công đoàn các đơn vị trong hoạt động công đoàn. Điều này khẳng định tính nghiêm túc của cuộc thi, đặc biệt là sự nghiêm túc trong nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, hình ảnh minh họa của các thí sinh. Trong số các bài dự thi có bài viết tay trình bày đẹp, công phu phần nội dung và hình thức thể hiện tốt, điều này chứng tỏ thí sinh rất tâm huyết với cuộc thi và với tổ chức Công đoàn.
Ban Giám khảo thống nhất những bài đoạt giải Nhất, Nhì, Ba phải là bài viết hoàn chỉnh cả về hình thức và nội dung. Với những tiêu chí trên, Ban Giám khảo đã lựa chọn để Ban Tổ chức trao 01 giải Nhất (Công đoàn Trường cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 03 giải Nhì (Công đoàn Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Công đoàn Bảo tàng Hồ Chí Minh và Công đoàn Thư viện Quốc gia Việt Nam), 03 giải Ba (Công đoàn Tổng cục Thể dục thể thao, Công đoàn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Công đoàn Vụ Thư viện); 18 giải Khuyến kích và 19 giải Phong trào.
Cuộc thi tìm hiểu “Công đoàn Việt Nam – 90 năm xây dựng và phát triển” do Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khép lại, thông qua cuộc thi giúp cho cán bộ, đoàn viên công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có dịp ôn lại truyền thống vẻ vang trong chặng đường đã qua, tri ân sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh, cống hiến, vì quê hương, đất nước và tổ chức Công đoàn.
Trong thời gian tới, Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, nêu cao ý trí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn thử thách, năng động, sáng tạo, đoàn kết, đổi mới quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam và Đại hội III Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.
Huy Toản