Ngày 28/12/2016, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó:
- Tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH; có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định điều chỉnh như sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định của từng năm X Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng
- Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần từ 01/01/2017 đến 31/12/2017 được điều chỉnh:
Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng
(Mức điều chỉnh của năm 2017 tại 02 trường hợp trên là 1,00)
Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 11/02/2017; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ 01/01/2017
2. Lệ phí cấp mới thẻ căn cước công dân 30.000 đồng/thẻ
Thông tư số 256/2016/TT-BTC ngày 11.11.2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Theo đó, từ ngày 01.01.2017, công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân; đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ Chứng minh nhân dân 09 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân sẽ phải nộp lệ phí 30.000 đồng/thẻ thay vì không phải nộp như quy định trước đây.
Các trường hợp còn lại, vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Cụ thể, mức lệ phí khi đổi thẻ Căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu là 50.000 đồng/thẻ; mức thu lệ phí cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ hoặc khi được trở lại quốc tịch Việt Nam là 70.000 đồng/thẻ. Đối với công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân bằng 50% mức nêu trên.
Đặc biệt, sẽ miễn lệ phí cho công dân dưới 16 tuổi đề nghị cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân hoặc cá nhân đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh...; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý.
3. Tăng lương tối thiểu vùng
Nghị định 153/2016/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ có hiệu lực từ 1.1.2017.
Theo đó, kể từ ngày 01.01.2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại Bộ luật Lao động 2012 được thực hiện như sau:
Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành);
Vùng II: 3.320.000 đồng/tháng (tăng 220.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành);
Vùng III: 2.900.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành); Vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành).
4. Điều kiện hỗ trợ đào tạo lao động mất việc làm
Theo Thông tư 152/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 04/12/2016) lao động là đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg mất việc sẽ được nhà nước hỗ trợ đào tạo khi đáp ứng các điều kiện:
Trường hợp làm việc theo hợp đồng có một trong các giấy tờ:
- Quyết định thôi việc, buộc thôi việc.Quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp làm việc không theo hợp đồng: Giấy xác nhận của người sử dụng lao động; Trường hợp tự tạo việc làm: Giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (trong trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh).