Từ thực tiễn tham gia công tác Công đoàn Bộ VHTTDL những năm tháng qua, tôi đã rút ra được một vài kinh nghiệm bổ ích cho việc tổ chức hoạt động công đoàn, nhất là ở cấp cơ sở, khi mà ban chấp hành công đoàn được sự ủng hộ, sự quan tâm quý báu của Ban lãnh đạo cơ quan (Cấp ủy Đảng - Chính quyền) được gói gọn trong 8 chữ, đó là: “Chủ trương - Nhân lực - Kinh phí - Thời gian”. Theo thiển ý của cá nhân tôi, đây có thể ví như “Chìa khóa vàng” để các công đoàn cơ sở tổ chức mọi hoạt động, triển khai mọi công việc hiệu quả, đem lại thành công. Sau đây xin được phân tích kỹ hơn từng thành tố của “8 chữ vàng” nêu trên.
1. Chủ trương (Sự ủng hộ của cấp ủy Đảng - Chính quyền với hoạt động công đoàn về mặt “Chủ trương”). Nói tới hoạt động công đoàn nói chung, hoạt động của CĐCS nói riêng là nói tới việc xây dựng, lập kế hoạch công tác công đoàn trong một năm/một giai đoạn, thậm chí cho cả nhiệm kỳ CĐCS là 5 năm. Đương nhiên, khi mà ban chấp hành công đoàn xây dựng kế hoạch công tác (ngắn hạn), ví dụ cho 01 năm, thì thường là phải xây dựng trong quý IV của năm trước, sau khi ban chấp hành công đoàn họp và thống nhất các ý kiến đề xuất các phương án và nội dung hoạt động; Tiếp theo BCH công đoàn xin ý kiến cấp ủy Đảng, báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, cho ý kiến vào bản kế hoạch công tác này (căn cứ vào kế hoạch công tác của Cấp ủy Đảng và của Chính quyền trong năm tới và đặc thù, điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị cũng như đối chiếu với kế hoạch công tác của công đoàn cấp trên, để tổ chức Đảng và Chính quyền cân nhắc và xem xét và cho ý kiến cụ thể). Khi kế hoạch công tác của công đoàn đã được cấp ủy Đảng, chính quyền cơ quan đơn vị chấp thuận, đồng ý, hoặc có sự điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với thực tiễn, tình hình cơ quan, đơn vị thì tức là công đoàn cơ sở chúng ta đã được sự đồng ý về “Chủ trương”, BCH công đoàn có thể ban hành quyết định về kế hoạch công tác công đoàn trong năm tới (các hoạt động chính của công đoàn cơ sở thường bao gồm: Chăm lo lợi ích cho đoàn viên và người lao động, hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn, tham quan, du lịch, về nguồn, cũng như tổ chức các sự kiện ngày lễ kỷ niệm 8/3, 20/10, hoạt động đền ơn đáp nghĩa và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác...). Trong thực tiễn hoạt động của CĐCS, đây sẽ là nội dung quan trọng nhất, là chìa khóa vàng đầu tiên, khi tổ chức công đoàn chúng ta được sự quan tâm, ủng hộ “một cách toàn diện” của lãnh đạo cơ quan. Bởi trong thực tế, nếu công đoàn chúng ta hoạt động chưa theo kế hoạch, chưa bài bản, nhiều khi tùy hứng, luộm thuộm, thì dễ bị Thủ trưởng cơ quan phê bình hoặc “bắt bài”, dẫn đến sẽ không tranh thủ được nhiều sự quan tâm và ủng hộ quý báu của lãnh đạo cơ quan cho tổ chức công đoàn.
2. Nhân lực (Sự ủng hộ của Cấp ủy Đảng, Chính quyền với hoạt động công đoàn về mặt “Nhân lực”). Đây sẽ là yếu tố quan trọng thứ hai, khi công đoàn chúng ta nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Cấp ủy Đảng, Chính quyền cơ quan. Bởi lẽ xét về mặt công việc, sau khi có chủ trương, có kế hoạch công tác, yếu tố nhân lực (bao gồm tổ chức, thực hiện và tham gia) là vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong thực tiễn hoạt động tổ chức công đoàn cơ sở, dù công đoàn đông hay ít đoàn viên, BCH công đoàn đều phải cân nhắc, tính toán để huy động người lao động tham gia. Trong thực tiễn tổ chức hoạt động của Công đoàn Bộ VHTTDL (giai đoạn từ 2013-2017); có những hoạt động như: Liên hoan văn nghệ quần chúng cấp Bộ (2 năm 1 lần), có CĐCS huy động gần 100 % đoàn viên công đoàn tham gia (kể cả Ban lãnh đạo cơ quan), với một dàn đồng ca (biểu diễn trên sâu khấu Nhà Hát lớn); hoặc Giao lưu thi đấu thể thao cấp Bộ (2 năm 1 lần) tổ chức tại Nhà thi đấu Thể thao Quận Cầu Giấy, có cuộc thu hút hơn 550 vận động viên không chuyên tham gia thi đấu (ở 3 nội dung: kéo co, cầu lông, bóng bàn). Nói như vậy để thấy rằng BCH công đoàn cơ sở sẽ vận dụng vào từng trường hợp/kỳ/cuộc cụ thể để huy động quân số, đoàn viên công đoàn tham gia sao cho đạt hiệu quả, có phong trào và cả thành tích. Để sao cho các đoàn viên công đoàn vẫn tích cực tham gia công tác công đoàn, mà vẫn đảm bảo và hoàn thành tốt công tác chuyên môn. Bởi một điều này nữa, trong thực tiễn hoạt động Công đoàn Bộ VHTTDL, có một số nhà hát của Bộ thường xuyên có những chương trình đi biểu diễn ở trong nước hay ở nước ngoài, hoặc tham gia các Hội diễn nghệ thuật: Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Xiếc v.v... Vì vậy, việc đảm bảo quân số tập trung ở nhà, để tham gia các hoạt động chung của công đoàn cũng như các hoạt động theo Khối Công đoàn của Bộ VHTTDL cũng không dễ dàng như mong muốn. Cho nên, việc BCH công đoàn cơ sở giải được “bài toán về nhân lực” cho hoạt động công đoàn cũng là một thành công của chúng ta.
3. Kinh phí (Sự ủng hộ của Cấp ủy Đảng - Chính quyền với hoạt động công đoàn về mặt “Kinh phí”). Từ thực tế hoạt động công đoàn những năm tháng qua, tôi nhận thức rằng, hầu hết hoạt động nào của công đoàn cũng cần có kinh phí để đáp ứng, triển khai công việc. Thế cho nên, sau khi có chủ trương đồng ý của lãnh đạo cơ quan, có phương án tổ chức và sự tham gia của đoàn viên công đoàn, thì việc sử dụng, vận dụng chi tiêu hợp lý tài chính cho hoạt động công đoàn cơ sở cần được BCH công đoàn lưu ý, triển khai hiệu quả. Trong thực tế, hoạt động của CĐCS thuộc Công đoàn Bộ VHTTDL những năm qua, nếu CĐCS có đông đoàn viên (từ 100 đến 200 người) thì bài toán kinh phí công đoàn sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu các CĐCS chỉ có 15 - 20 đoàn viên thì bài toán tự chủ tài chính trong các hoạt động của công đoàn, như: Các hoạt động chăm lo cho lợi ích đoàn viên, kinh phí tuyên truyền, hoạt động kỷ niệm ngày 8/3, 20/10; hoạt động nữ công, các phong trào văn nghệ - thể thao của công đoàn cơ sở v.v..., sẽ rất khó khăn. Vì vậy các CĐCS này sẽ phải đề nghị Chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động. Vẫn biết rằng từ xưa đến nay, kinh phí công đoàn luôn hạn hẹp (chỉ tính riêng các mặt hoạt động bề nổi, phong trào công đoàn, có khi đã không đủ, đó là chưa kể những việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình, như: Hiếu hỷ, quyên góp ủng hộ bão lũ, thiên tai, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa....). Vì thế, bên cạnh việc BCH công đoàn năng động, sáng tạo để có thêm nguồn thu công đoàn, thì chìa khóa vàng thứ 3 này cũng nói lên sự quan tâm, ủng hộ quý báu của cấp ủy Đảng, Chính quyền cho hoạt động tổ chức công đoàn chúng ta trong suốt cả nhiệm kỳ.
4. Thời gian (Sự ủng hộ của Cấp ủy Đảng, Chính quyền với hoạt động công đoàn về mặt “Thời gian”). Đây là yếu tố cuối cùng trong 8 chữ nêu trên, song yếu tố này cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch công tác của CĐCS. Bởi lẽ, nếu công đoàn cơ sở chúng ta tuy đã hội đủ 3 yếu tố (Chủ trương, nhân lực, kinh phí), song về vấn đề thời gian nếu công đoàn chúng ta chưa được lãnh đạo và bố trí được một cách hợp lý, thì sẽ dẫn đến khó thực hiện thành công cho hoạt động. Bởi xét một cách toàn diện, chúng ta vẫn luôn phải ưu tiên cho công việc; cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Nếu BCH công đoàn cơ sở bố trí công việc và hoạt động công đoàn trùng khớp với các hoạt động lớn của ngành, hoạt động trọng tâm của cơ quan, đơn vị, thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện. Để đảm bảo thành công, chúng ta nên bố trí, căn nhắc và thu xếp để sao cho hoạt động của công đoàn diễn ra vào thời điểm thuận lợi nhất, phù hợp nhất. Trong thực tiễn hoạt động Công đoàn Bộ VHTTDL những năm qua, nếu tổ chức hội nghị, cuộc họp thường nên tránh ngày thứ 2 đầu tuần (vì nhiều đ/c BCH hay phải tham gia hội nghị giao ban cơ quan); hoặc đầu năm các nhà hát của Bộ thường hay có chương trình đi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nên rất bận, khó có thể tham gia hoạt động chung của công đoàn.
Tóm lại, từ kinh nghiệm thực tế về hoạt động Công đoàn ở Bộ VHTTDL mà tôi đã được chứng kiến, tham gia, trải nghiệm, đồng hành trong thời gian qua, tôi mạnh dạn nêu ra một vài suy nghĩ và kinh nghiệm của mình, khu trú trong 8 chữ nêu trên. Xét về mối quan hệ biện chứng, theo quan điểm duy vật Mác-Lênin, thì: “Chủ trương, nhân lực, kinh phí, thời gian” là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau. Mối quan hệ biện chứng này vừa khái quát nội hàm, yếu tố vật chất (nhân lực-kinh phí), vừa khái quát nội hàm, yếu tố phi vật chất (chủ trương-thời gian); song giữa chúng, luôn có mối quan hệ qua lại, bổ trợ cho nhau, giúp cho công tác công đoàn của chúng ta đạt hiệu quả. Bởi suy cho cùng, hoạt động của tổ chức công đoàn có vai trò rất quan trọng(nằm trong bộ máy hạt nhân lãnh đạo cơ quan: Cấp ủy Đảng - Chính quyền - Công đoàn - Đoàn Thanh niên), vì trong thực tế những năm công tác ở Bộ VHTTDL, tôi nghiệm thấy rằng: Những nơi nào, đơn vị nào mà cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động tốt, thì ở nơi ấy, cơ quan ấy, có sự đoàn kết tốt, cơ quan làm việc hiệu quả, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn, tổ chức công đoàn luôn là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy Đảng, Chính quyền, người lao động và đương nhiên người hoặc cơ quan được hưởng lợi trước tiên là Cấp ủy Đảng, Lãnh đạo đơn vị. Còn ngược lại, đơn vị nào xảy ra mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng; cơ quan có nhiều đơn thư, kiện cáo, thì ở nơi ấy, công đoàn cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình, bởi công đoàn chúng ta phải phát hiện ra những hành vi tiêu cực, sai trái và dám đấu tranh phê bình với các biểu hiện ấy. Đó cũng là thái độ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn chúng ta trong đấu tranh và phê bình, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Ths. Nguyễn Hữu Giới
Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL