Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch TLĐ, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết: Mức lương tối thiểu đã được quy định tại điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012. Từ năm 2013 đến nay Hội đồng Tiền lương quốc gia căn cứ vào nhu cầu sống tối thiếu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện KTXH và mức tiền lương trên thị trường lao động để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp. Tuy nhiên, qua các phiên họp Hội đồng hàng năm cho thấy kết quả khảo sát mức sống tối thiểu làm cơ sở đề xuất mức lương tối thiểu còn chưa có sự thống nhất và chênh lệch giữa các bên. Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo này nhằm mục đích lấy ý kiến đóng góp từ các đại biểu, các nhà khoa học làm rõ thêm cơ sở lý luận, thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ CĐ trong việc xác định và thương lượng mức lương tối thiểu vùng của người lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung căn cứ, nguyên tắc và các phương pháp xác định mức lương tối thiểu vùng ở Việt Nam; các yếu tố tác động khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu và thực tế ở Việt Nam; mối quan hệ giữa tiền lương, tiền lương tối thiểu và năng suất lao động; vai trò của CĐ thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương, tiền lương tối thiểu tại DN; mối quan hệ giữa tăng mức lương tối thiểu với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP…
Tại Hội thảo, Tổng LĐLĐVN cũng đã thông báo kết quả khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập, mức sống của NLĐ năm 2016. Theo đó, Tổng LĐLĐVN đã tiến hành khảo sát tại 60 DN thuộc 4 vùng lương gồm DN cổ phần hóa, công TNHH một thành viên vốn nhà nước, DN cổ phần tư nhân, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc các ngành nghề dệt may, giày da, giao thông, xây dựng, điện tử, cơ khí, chế biến nông, lâm, thủy hải sản tại 9 tỉnh, thành phố với 1.800 phiếu hỏi NLĐ và 60 phiếu thống kê tình hình lao động tại DN; 120 phiếu phỏng vấn sâu; 09 cuộc tọa đàm với cán bộ CĐ, đại diện cơ quan quản lý lao động, bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế…
Đặng Thị Lợi