(Đ/c Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội thảo)
Theo đồng chí Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, mặc dù các quy định của pháp luật về tranh chấp pháp luật, đình công đã có và đã sửa đổi nhiều lần, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao các quy định của pháp luật về đình công không đi vào cuộc sống? Chúng tôi thường nói đùa tình trạng này là “Luật một bên và đình công một bên”. Theo thống kê, từ năm 1995 đến nay cả nước xảy ra hơn 6.000 cuộc tranh chấp lao động, đình công, nhưng chưa có một cuộc nào được tiến hành theo đúng các trình tự pháp luật. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, trong đó có nguyên nhân về quy định pháp luật. Đồng chí Mai Đức Chính cho biết thêm, việc xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2017 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn nhằm giải quyết tranh chấp lao động và đình công của người lao động.
Hội thảo này nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp thực tế từ các địa phương cũng như kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức, đề ra các giải pháp sửa đổi Bộ luật Lao động, nhất là về giải quyết tranh chấp lao động, đình công; những vấn đề liên quan đến tổ chức công đoàn.
Viết Đoàn