Trải dài suốt dọc miền Trung và Tây Nguyên với chiều dài hơn nghìn ki lô mét, tựa lưng về biên giới Việt - Lào, dốc thoai thoải về biển Đông với độ cao trên năm trăm mét so với mực nước biển, dải Trường Sơn hùng vĩ nằm dọc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có hàng trăm con sông, hàng ngàn con suối và nhiều núi cao, đèo sâu. Nơi đây không chỉ chứng kiến những kì tích vĩ đại của hàng triệu thanh niên Việt Nam với tinh thần khắc phục mọi khó khăn gian khổ, không ngại hy sinh vì miền Nam ruột thịt, mà Trường Sơn còn ngày đêm che chở, cưu mang cho họ trước mưa bom, bão đạn ác liệt của quân thù.
Nghe theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”, tuổi trẻ Việt Nam đã nô nức lên đường tòng quân giết giặc, và thử thách đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu đầy gian nan lại là cuộc hành quân vượt Trường Sơn vạn dặm. Thế hệ các bác, các anh, các chị ngày ấy tuổi mười tám, đôi mươi đã hăng hái ra trận, họ đã sống và chiến đấu thật xứng đáng với thế hệ mình, xứng đáng với truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của cha anh. Có biết bao chiến công oai hùng, biết bao kỳ tích đã xảy ra nơi đây, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc, song cũng có hàng chục vạn người con ưu tú đã ngã xuống trên mảnh đất kiên cường này. Tên tuổi và sự hy sinh của các bác, các anh, các chị cùng những chiến công ngày ấy đã trở thành bản anh hùng ca bất tử, là cảm hứng sáng tác cho hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật, làm rung động hàng triệu con tim Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Dải Trường Sơn dường như còn in bóng dáng những đoàn quân trùng trùng, điệp điệp súng trên vai, cùng đôi dép lốp và một lý tưởng cao cả đi giải phóng miền Nam. Những cánh rừng khét lẹt khói bom và những con đường bị cày xới, cùng với tinh thần dũng cảm bám trụ, bám đường, san đường, lấp hố của thanh niên xung phong ngày ấy vẫn còn đọng lại mãi mãi trong kí ức của mỗi người dân Việt Nam trong kỷ niệm về Trường Sơn, kỷ niệm về chiến tranh. Trên những nẻo đường hành quân còn in đậm dấu chân Anh giải phóng quân và mỗi con suối, mỗi cánh rừng của Trường Sơn đã chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của người chiến sĩ. Những cánh võng mắc ngang dọc bên cánh rừng già cùng ánh trăng non đầu tháng đã ru các anh vào giấc ngủ sau những buổi hành quân vất vả. Sản phẩm của rừng như: môn thục, tàu bay, cùng măng nứa, măng mai,... đã góp phần cải thiện bữa ăn đạm bạc của người lính, tăng thêm sức lực để chống chọi với sốt rét rừng và bệnh tật. Những hốc đá tai bèo, những suối sâu, đèo cao trên dãy Trường Sơn không dễ gì ngăn nổi nước chân người chiến sĩ trên con đường ra trận.
Bom đạn của kẻ thù, chất độc hóa học và cả hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra,... cũng không khuất phục được ý chí sắt đá của người chiến sĩ quyết tâm đi giải phóng miền Nam. Đế quốc Mỹ muốn chúng ta trở về thời kì đồ đá, mỗi ngày có đến hàng trăm cuộc oanh kích bằng máy bay của địch (kể cả máy bay B 52), hàng ngàn tấn bom đạn được ném xuống dải Trường Sơn. Những kì lạ thay, kẻ thù vẫn không sao hủy diệt được Trường Sơn, lại càng không thể tiêu diệt được ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam. Với “đôi vai ngàn cân, đôi chân ngàn dặm”, các anh, các chị đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Địch phá, ta lại xây, địch đánh ngày, ta đi đêm, cả miền Nam, cả Trường Sơn là một chiến trường sôi sục, nóng bỏng. Trong những năm tháng gian khổ và hào hùng ấy, Trường Sơn như một biểu tượng của bản anh hùng ca thời đại: Vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ là khẩu hiệu, là quyết tâm và cũng là vinh dự, tự hào của tuổi trẻ Việt Nam và của cả dân tộc ta.
Nói đến Trường Sơn không thể không nói tới con đường huyền thoại trong lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc ta - Đường Hồ Chí Minh.
Ngày 19/5/1959, Trung ương Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã quyết định và trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam. Tuyến vận tải đó ngày đầu mang tên Đoàn 559, sau này được vinh dự mang tên Người: Đường Hồ Chí Minh.Thượng tá Võ Bẩm, người chỉ huy đầu tiên của đoàn quân 440 con người ấy đã cùng đồng đội xung phong đi mở đường. Vượt qua bao núi cao, rừng sâu, vượt qua bao thác ghềnh và muôn vàn khó khăn gian khổ, từ một tuyến đường mòn ban đầu trong lau lách của dải Trường Sơn hùng vĩ, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 1975, con đường ấy đã phát triển thành 5 trục chính dọc Đông và Tây Trường Sơn và 21 đường nhánh ngang đixuống vùng giáp ranh các mặt trận (với tổng chiều dài tới 16.000 km).
Đường Trường Sơn-Đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ
Con đường chi viện chiến lược xẻ dọc Trường Sơn từ Bắc vào Nam ấy, mà kẻ thù với mọi phương kế hiểm độc, mọi phương tiện chiến tranh hiện đại và với mọi vũ khí tối tân nhất, tàn phá khốc liệt nhất để cố ngăn chặn, chia cắt, san bằng, hủy diệt cũng đều vô hiệu. Nhằm cắt đứt “dạ dày của đối phương”, đế quốc Mỹ đã huy động một bộ máy chiến tranh khổng lồ gồm hàng chục vạn quân, hàng chục triệu tấn bom đạn và cả chất độc hóa học, bom napan để mở các cuộc hành quân tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta trên dải Trường Sơn, nhằm chặn đứng, chia cắt con đường chi viện chiến lược ấy.
Với tinh thần quyết tâm cao cả vì miền Nam thân yêu, qua 5.920 ngày đêm (từ năm 1959 đến năm 1975) hoạt động không ngừng nghỉ trên dãy Trường Sơn, bộ đội và thanh niên xung phong đã đưa đón trên hai triệu lượt quân ra, vào cùng hàng chục triệu tấn lương thực, vũ khí và đạn dược, chi viện cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ. Suốt 16 năm mở đường và giữ vững con đường huyết mạch ấy là 16 năm chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt. Bom đạn của kẻ thù đã cướp đi sinh mạng của 19.387 người con ưu tú (bộ đội và thanh niên xung phong) và làm bị thương hơn 32 ngàn người.
Con đường huyền thoại ấy mà hai mươi năm sau - mùa xuân năm 1995 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về nó: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh, là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Thậm chí theo văn bản lịch sử chính thức của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency), đường Trường Sơn được quân đội Mỹ coi là "một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20."
Chiến tranh dù đã đi qua hơn 4 thập kỷ, nhưng kí ức chiến tranh vẫn không hề phai nhạt. Con đường kì lạ có một không hai đó vẫn mãi mãi là con đường huyền thoại trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, nó sẽ vẫn tồn tại như một tượng đài hùng vĩ, độc đáo trải dài trên rừng núi Trường Sơn. Đã có biết bao du khách, nhà văn, nhà báo, nhà viết sử và cả những cựu chiến binh Mỹ lặn lội tìm đến đây để ngưỡng mộ kì tích và thưởng ngoạn như một kì quan và cũng để tận mắt mình chiêm nghiệm một giải đáp còn khúc mắc: là từ đâu, vì sao, với ý chí và sức mạnh nào mà con người Việt Nam bằng xương, bằng thịt đã tạo nên điều huyền hiệu ấy, làm nên chiến thắng vẻ vang ấy?
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay (ảnh Internet)
Ngày nay, Trường Sơn đang thay da, đổi thịt. Những người lính chiến năm xưa đã cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã và đang đóng góp mồ hôi và sức lựccủa mình góp phần xây dựng và phát triển kinh tế trên dải đất thân thương mà đầy oanh liệt này. Đã có nhiều công trình quốc kế-dân sinh và các khu kinh tế mới mọc lên trên dải đất Trường Sơn như: Khu kinh tế Lâm Đồng, Bảo Lộc, Công trình thủy điện Yaly, Đường Trường Sơn công nghiệp hóa; Đường dây 500 ki-lô-vôn v.v...... nhằm khai thác tiềm năng dồi dào và thế mạnh của vùng đất Trường Sơn, làm giàu cho quê hương đất nước. Chắc chắn không bao xa nữa, vùng đất thấm đẫm biết bao mồ hôi và xương máu, trí tuệ và sức lực của đồng bào và chiến sĩ giải phóng quân, của những người thanh niên xung phong đi mở đường cứu nước năm xưa rồi sẽ giàu đẹp và phồn vinh. Chúng ta tự hào và hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.
Hoàng Long