CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!

Một số điểm mới của Quy chế khen thưởng Công đoàn Viên chức Việt Nam

10:06 17-06-16

     Sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 có hiệu lực, ngày 24 tháng 12 năm 2014 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đă ban hành Quyết định số 1564/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy chế Khen thưởng của tổ chức Công đoàn, thay thế cho Quyết định số 777/QĐ-TLĐ ngày 26/5/2004

Để phù hợp với Quy chế khen thưởng mới của tổ chức Công đoàn, ngày 2 tháng 7 năm 2015 Công đoàn Viên chức Việt Nam đã ban hành quy chế khen thưởng của Công đoàn Viên chức Việt Nam kèm theo quyết định số 101/QĐ-CĐVC ngày 2 tháng 7 năm 2015 của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam sau đây gọi là (Quy chế 101). Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy chế khen thưởng của Công đoàn Viên chức Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 155 ngày 25 tháng 11 năn 2004 của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Về một số điểm mới của Quy chế 101 so với  Quy chế 155 ngày 25/11/2004, có một số điểm mới như sau:

Về kết cấu Quy chế 101 gồm có 8 chương, 47 điều (thêm 2 chương và nhiều hơn 5 điều so với quy chế 155) ban hành theo theo 02 phụ lục và các biểu mẫu: nội dung của Quy chế  101 cụ thể hơn trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, đảm bảo chặt chẽ, không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng nhằm tránh việc tích lũy thành tích trong khen thưởng, đặc biệt xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đối với các hình thức khen thưởng bằng khen, giấy khen cho công nhân, người lao động trực tiếp, bổ sung chương II về Danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, chương V về Hội đồng thi đua khen thưởng Công đoàn Viên chức Việt Nam. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về liên quan đến quy định chung, thẩm quyền, nguyên tắc khen thưởng và thủ tục xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

I. Về nguyên tắc khen thưởng và căn cứ để xét khen thưởng

 Tại điều 3 Bổ sung các tiêu chí:

“Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn trong đơn vị, ngành thì được khen thưởng với mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng cho cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác.

-. Khi xét khen thưởng cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.

- Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng có quá trình cống hiến được giảm 03 năm so với quy định chung.

- Đối với khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.

- Thời gian để đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính từ khi có quyết định khen thưởng lần trước.

- Đối với cá nhân trong một năm chỉ được đề nghị một hình thức khen thưởng cấp Nhà nước hoặc danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”.

- Đối với các cấp công đoàn viên chức tỉnh, thành phố chỉ khen thưởng theo chuyên đề cho các tập thể, cá nhân khi Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức phát động, sơ kết, tổng kết chuyên đề đó và phải có văn bản hiệp y của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý.

- Các công đoàn trực thuộc phải gửi đăng ký thi đua về Công đoàn Viên chức Việt Nam trước ngày 28/2 hàng năm. Khen thưởng chuyên đề đăng ký thi đua trước ngày 20/2 hàng năm. Công đoàn không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua”.

II. Các hình thức khen thưởng

Bổ sung  thẩm quyền khen thưởng của tổ chức công đoàn  tại khoản 1.5 điều 5 “Giấy khen của Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở; Giấy khen của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Giám đốc các doanh nghiệp công đoàn”, khoản 1.7 điều 5 “Giải thưởng của Công đoàn Viên chức Việt Nam”.

III. Về tiêu chuẩn xét tặng thi đua:

- Danh hiệu “Đoàn viên công đoàn xuất sắc” tại điều 6

“bỏ tiêu chí  phải đạt danh hiệu lao động tiên tiến”

- Danh hiệu “Tổ Công đoàn xuất sắc” Điều 7

“bỏ tiêu chí  phải là tập thể lao động tiên tiến”

 - Danh hiệu “Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc” tại điều 8

Bổ sung tiêu chí “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm; được bình chọn đơn vị dẫn đầu hoặc xuất sắc trong số các tập thể được đánh giá xếp loại công đoàn cơ sở vững mạnh; đạt số điểm từ 95 điểm trở lên theo bảng chấm điểm, đánh giá xếp loại công đoàn cơ sở theo hướng dẫn 124 HD-CĐVC ngày 6  tháng 5 năm 2015 của Công đoàn Viên chức Việt Nam về việc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.

- Danh hiệu “Cờ thi đua Công đoàn Viên chức Việt Nam tại điều 11

Bổ sung tiêu chuẩn đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam “tập thể được suy tôn dẫn đầu hoặc xuất sắc khối thi đua Công đoàn cấp trên cơ sở; được đánh giá, xếp loại tốt và đạt tổng số điểm từ 91 điểm trở lên; là mô hình tiêu biểu cho phong trào thi đua của Công đoàn Viên chức Việt Nam”.

IV.  Về tiêu chuẩn khen thưởng

- Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam tại  Điều 16.

- Đối với cá nhân: bổ sung tiêu chuẩn “Hai năm liên tục (tính cả năm đề nghị khen thưởng) hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ít nhất 1 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, đạt danh hiệu đoàn viên công đoàn xuất sắc; đã được tặng giấy khen của công đoàn.

- Đối với tập thể: Công đoàn các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương bổ sung tiêu chuẩn: Đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn; năm đề nghị khen thưởng phải được Công đoàn Viên chức Việt Nam đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn xếp loại vững mạnh.

- Điều chỉnh số lượng Bằng khen Công đoàn Viên chức Việt Nam xét tặng hàng năm.

- Đối với tập thể: Công đoàn bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương: Số lượng Bằng khen xét tặng không quá 20% tổng số công đoàn bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Các công đoàn trực thuộc công đoàn bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương: Số lượng Bằng khen Công đoàn Viên chức Việt Nam xét tặng hàng năm cho mỗi công đoàn là không quá 20% tổng số công đoàn trực thuộc được tặng Giấy khen.

- Đối với cá nhân:

- Những công đoàn có dưới 50 đoàn viên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 01 cá nhân;

- Những công đoàn có từ 50 đến dưới 100 đoàn viên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 02 cá nhân;

- Những công đoàn có từ 100 đến dưới 300 đoàn viên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 03 cá nhân;

- Những công đoàn có từ 300 đến dưới 500 đoàn viên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 04 cá nhân;

- Những công đoàn có từ 500 đến dưới 700 đoàn viên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 05 cá nhân;

- Những công đoàn có từ 700 đến dưới 1.000 đoàn viên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 06 cá nhân;

- Những công đoàn có từ 1.000 đến dưới 1.200 đoàn viên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 07 cá nhân;

- Những công đoàn có từ 1.200 đoàn viên trở lên: được đề nghị xét khen thưởng không quá 0.6% tổng số đoàn viên.

- Bằng khen chuyên đề của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam điều 17.

- Bổ sung vào quy chế việc xét tặng Bằng khen các chuyên đề do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức phát động bao gồm: Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”; “Công tác tuyên truyền Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước” theo các đợt sơ kết 3 năm, tổng kết 5 năm.

- Giấy khen.

- Bổ sung thẩm quyền của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở được quyết định khen thưởng “Giấy khen”.

- Bổ sung tiêu chí khen thưởng đối với tập thể: “Là tập thể tiêu biểu của cơ quan, đơn vị, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của Công đoàn được quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam; được đánh giá, xếp loại công đoàn vững mạnh; có cá nhân đạt chiến sỹ thi đua cơ sở; tập thể không có cá nhân bị kỷ luật từ khiển trách trở lên”.

- Bổ sung quy định về: Số lượng tập thể, cá nhân được tặng giấy khen

+ Đối với cá nhân: tối đa không quá 10% số đoàn viên

+ Đối với tập thể: tối đa không quá 10% số công đoàn trực thuộc.

Trên đây là một số điểm mới trong quy chế khen thưởng của Công đoàn Viên chức Việt Nam. Hy vọng với những quy định của quy chế khen thưởng ban hành kèm theo Quyết định số 101/QĐ-CĐVC ngày 2 tháng 7 năm 2015 của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam ngày càng đi vào nền nếp và tạo được những động lực cho các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức và đoàn viên công đoàn.

Trần Thị Kim Anh

Ủy viên BTV, Trưởng ban Chính sách Pháp luật

Công đoàn Viên chức Việt Nam

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”