CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá hoạt động của công đoàn cơ sở

10:04 17-06-16

          Trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết, văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam (CĐVCVN), Công đoàn các cơ quan, đơn vị trực thuộc TLĐ đã tích cực trong chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; coi nội dung đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong mọi hoạt động CĐCS và công tác xây dựng CĐCS vững mạnh

 

Việc chấm điểm, xếp loại CĐCS hàng năm đã từng bước được đổi mới, tập trung vào việc đánh giá kết quả thực hiện những nội dung nhiệm vụ trọng yếu, cơ bản của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên và người lao động mà không tổ chức nào có thể thay thế được.

Đối với CĐCS khu vực hành chính, sự nghiệp, nội dung hoạt động và phương pháp chấm điểm, đánh giá, xếp loại CĐCS đã tập trung nhiều vào việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cử đại diện ban chấp hành công đoàn tham gia có hiệu quả vào các Hội đồng được thành lập tại cơ quan, đơn vị...; chú trọng công tác xây dựng và thực hiện các quy chế nội bộ của CĐCS; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ CĐCS và tham gia quản lý cơ quan, đơn vị.

Đối với CĐCS khu vực doanh nghiệp, hoạt động công đoàn đã tập trung vào việc giám sát thực hiện hợp đồng lao động; thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể cả những nội dung có lợi cho người lao động; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động; công tác phát triển đoàn viên; công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn và thực hiện nghiêm túc việc thu, chi, quản lý tài chính CĐCS theo quy định.

Hàng năm, Công đoàn các cơ quan, đơn vị trực thuộc TLĐ đều nghiêm túc triển khai việc chỉ đạo CĐCS trực thuộc tổ chức chấm điểm, đánh giá, xếp loại công đoàn bộ phận, tổ công đoàn và CĐCS theo đúng các quy định, hướng dẫn của CĐVCVN; tổ chức họp Ban Thường vụ để xem xét, chấm điểm và quyết định xếp loại CĐCS trực thuộc; tổ chức hội nghị tổng kết năm để đánh giá, rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng CĐCS vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng CĐCS vững mạnh còn bộc lộ một số hạn chế và khó khăn, vướng mắc như:

Thứ nhất, chất lượng tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở một số CĐCS chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân theo luật định ở nhiều CĐCS còn yếu; thậm chí không hoạt động; tâm tư, thắc mắc của đoàn viên và người lao động chưa được giải quyết kịp thời, dẫn đến có lúc, có nơi còn bùng phát bức xúc của người lao động, để xảy ra đơn, thư nặc danh, mạo danh, vượt cấp.

Thứ hai, việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa ban chấp hành CĐCS với thủ trưởng cơ quan, giám đốc doanh nghiệp ở một số đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc, khoa học; chất lượng, hiệu quả thực hiện còn thấp; đại diện ban chấp hành tham gia các hội đồng theo quy định chủ yếu mang tính hình thức. Việc thu, nộp kinh phí, đoàn phí công đoàn chưa được quan tâm đúng mức, đúng thời hạn theo quy định.

Thứ ba, cơ cấu tổ chức ở một số CĐCS còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, chưa được quan tâm kiện toàn, củng cố hoặc phân cấp trách nhiệm cụ thể. Một số CĐCS chưa tổ chức thực hiện tốt các quy chế nội bộ của CĐCS, chưa tổ chức hội nghị ban chấp hành đúng định kỳ hoặc không tổ chức tập huấn hàng năm cho cán bộ CĐCS từ tổ phó công đoàn trở lên theo quy định.

Thứ tư, công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về tổ chức, hoạt động của CĐCS và sổ ghi chép sinh hoạt định kỳ của ban chấp hành, ban thường vụ, các ban quần chúng khác ở nhiều CĐCS chưa được chú trọng. Công tác quản lý đoàn viên và cấp phát thẻ đoàn viên ở một số CĐCS chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều CĐCS có đông lao động, nhưng không cập nhật kịp thời số lao động và đoàn viên.

Thứ năm, chế độ thông tin 2 chiều giữa ban chấp hành CĐCS với công đoàn cấp trên và đoàn viên, người lao động ở nhiều CĐCS có lúc còn chưa kịp thời, chưa thường xuyên, hoặc chỉ coi trọng việc báo cáo với công đoàn cấp trên cho có lệ; đoàn viên và người lao động còn thiếu thông tin về tổ chức và hoạt động của CĐCS.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên như sau:

Một là, việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động CĐCS của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thực sự đổi mới, còn nặng về định tính, ít nội dung có định lượng.

Hai là, công tác kiểm tra, phúc tra và xếp loại CĐCS của công đoàn cấp trên trực tiếp, ở nhiều nơi chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; có nơi chỉ căn cứ vào báo cáo của cơ sở, có sự châm chước, bỏ qua những thiếu sót của CĐCS vì thành tích chung.

Ba là, nhiều CĐCS ít đoàn viên, không có điều kiện tổ chức tập huấn cho cán bộ từ tổ phó công đoàn trở lên. Vì vậy một bộ phận cán bộ CĐCS, kể cả ban thành tra nhân dân và các ban quần chúng còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ và phương pháp hoạt động công đoàn.

Bốn là, CĐCS được giao quá nhiều nhiệm vụ, trong điều kiện chủ yếu cán bộ công đoàn hoạt động kiệm nhiệm, nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động công đoàn; không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu và giải quyết tâm tư, kiến nghị của người lao động.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, cần tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo về kỹ năng, nghiệp vụ và những chính sách, quy định mới, cho cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đồng thời định kỳ tổ chức hoạt động chuyên đề giữa các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, để có điều kiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS hoạt động.

Thứ hai, nên xây dựng mô hình điểm đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về hiệu quả đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS hoạt động, để nhân rộng điển hình trong toàn hệ thống CĐVCVN.

Thứ ba, nên có hướng dẫn việc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ các CĐCS trực thuộc không có điều kiện tổ chức riêng lớp tập huấn cho cán bộ từ tổ phó công đoàn trở lên, theo phương thức tập huấn ghép các CĐCS cùng loại hình; trong đó công đoàn cấp trên hỗ trợ một phần chi phí.

 Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hướng, dẫn, chỉ đạo CĐCS hoạt động, như giảm tối đa các thủ tục hành chính, xây dựng các mẫu biểu để CĐCS có thể chỉ điền số liệu báo cáo định kỳ kết quả hoạt động; chỉ đạo CĐCS tùy theo loại hình hoạt động, tùy theo điều kiện cụ thể để chọn nội dung hoạt động phù hợp, thiết thực với đoàn viên và NLĐ.

Thứ năm, tiếp tục quan tâm, chú trọng hơn nữa việc gắn công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở với công tác bình xét, đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của các cấp công đoàn. 

Bùi Thị Bích

                                                          Phó Chủ tịch Công đoàn

                                        Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”