CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)!

Gia đình Nhà giáo với truyền thống hiếu học

15:03 15-11-16

          Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt và được liệt vào 01 trong những địa phương có truyền thống khoa bảng của Việt Nam.

          Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đất nước còn gặp muôn vàn gian khó. Gia đình tôi mặc dù cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm nhưng bố mẹ luôn chăm lo vun đắp tri thức cho con cái, đặt việc học lên hàng đầu. Vì thế, 07 anh chị em chúng tôi là những học sinh học giỏi, chăm ngoan thời bấy giờ. Thấu hiểu sự hy sinh vất vả của bố mẹ, chúng tôi đều bảo nhau cố gắng học giỏi để mang lại niềm vui cho gia đình. Hiện nay, Anh chị em tôi dù mỗi người một công việc nhưng tất cả đều không ngừng học hỏi, nỗ lực trong công tác để dù ở vị trí nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gia đình tôi hiện có 01 người có học vị Tiến sĩ, 02 người có học vị Thạc sĩ và 04 người có bằng cử nhân .

          May mắn cho tôi được công tác, học tập tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là trung tâm quốc gia đào tạo lý luận chính trị hàng đầu đất nước, môi trường giáo dục lý tưởng cho tôi tiếp tục thực hiện ước mơ được học tập suốt đời. Là cán bộ, giảng viên tại trường Đảng mang tên Bác, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học tập để trau dồi kiến thức. Ngoài ra, tôi quan niệm việc học của một nhà giáo còn là việc trau dồi cái tâm đối với nghề nghiệp. Không chỉ học về tri thức, tôi còn học tập để áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy, thu hút sự tham gia của học viên, kích thích tính năng động, sáng tạo của học viên trong chiếm lĩnh tri thức, để nâng cao chất lượng dạy học, đảm bảo sự gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, để sau khóa học các học viên trở về với các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị tiếp tục phát huy tri thức góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

          Hiện nay, với vai trò vừa là lãnh đạo đơn vị Ban Thanh tra vừa là giảng viên, việc học tập lại trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với tinh thần cầu thị, tôi không ngừng học hỏi để cập nhật kiến thức pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan, nắm bắt kịp thời các thông tin (kể cả dư luận quần chúng) về tình hình quản lý trên các mặt công tác của Học viện để tham mưu cho Giám đốc Học viện trên các lĩnh vực quản lý.

          Đối với gia đình, là người mẹ, người vợ, người "giữ lửa" việc học lại càng quan trọng. Hiện nay, nhiều người phụ nữ vẫn giữ quan niệm truyền thống rằng phụ nữ chỉ cần có một công việc ổn định và dành thời gian để chăm sóc con cái, việc học tập không cần thiết hoặc là thứ yếu. Tuy nhiên, theo tôi, người phụ nữ của gia đình không chỉ cần đảm đang nội trợ mà rất cần tri thức. Tri thức không chỉ giúp ích cho việc ứng xử hài hòa các mối quan hệ trong gia đình mà còn hỗ trợ đắc lực cho việc quan tâm, dạy dỗ con cái. Gia đình tôi có hai cháu gái, ngay từ thời thơ ấu, các con tôi đều được định hướng theo con đường học vấn. Mặc dù, bận rộn với công tác ở cơ quan, xã hội nhưng tôi luôn dành thời gian quan tâm đến việc học tập của các con, ở trường cũng như ở nhà. Chồng tôi là một sĩ quan cao cấp của ngành Công an, anh nguyên là học viên của Học viện An ninh nhân dân. Điều hạnh phúc nhất của gia đình tôi là vợ chồng tôi cùng có chung chí hướng là quan tâm dành tất cả cho học tập của con cái. Vợ chồng tôi đã truyền lại cho các con niềm tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ để khơi dậy động lực học vấn ở con. Vì vậy, các con tôi luôn đạt những thành tích cao trong học tập, công tác, là niềm tự hào của gia đình tôi. Con gái đầu của tôi (26 tuổi) hiện là giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Báo chí và tuyên truyền và đang học nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật tại Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, tôi đã và đang động viên, khuyến khích cháu học tốt, bảo vệ đúng thời hạn để vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ Luật vào năm 2017 (khi cháu 28 tuổi) (cùng học vị chuyên ngành của mẹ).

         Từ truyền thống gia đình và quá trình lao động, học tập của bản thân, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm nho nhỏ như sau:

          Thứ nhất: Học đi đôi với hành là biện phát để phát huy truyền thống hiếu học của gia đình

          Để truyền thống hiếu học được gìn giữ và phát huy trong gia đình, cha mẹ chính là cầu nối đến thế hệ con cái. Vì thế, tôi luôn gương mẫu trong việc học tập để các con noi theo. Không những thế, tôi còn vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác mang lại hiệu quả cao, được lãnh đạo cơ quan và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ghi nhận. Một kinh nghiệm nhỏ nữa là tôi luôn chăm chỉ đọc sách, nghiên cứu cùng thời gian với 02 cô con gái và chia, sẻ đàm đạo với các con những thông tin, tri thức mới về gia đình và xã hội mà tôi lĩnh hội được. Vì thế mà con gái thứ hai của tôi năm nay học lớp 12 đã thốt lên rằng "Mẹ làm cho con thích nghề giáo, con sẽ cố gắng đỗ đại học để trở thành cô giáo như mẹ và chị cả", khi nghe con nói, tim tôi đập rộn ràng vì hạnh phúc là mình đã làm gương tốt cho con.

          Thứ hai: Học tập không ngừng

         Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, việc xác định mục tiêu của việc học tập là vấn đề hết sức quan trọng. Tôi luôn xác định việc học tập là một quá trình thường xuyên, lâu dài, như câu nói của V.I Lênin; "Học, học nữa, học mãi!". Do đó, từng giai đoạn khác nhau cần xác định mục tiêu học tập phù hợp. Đối với tôi, việc học là rất cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo, quản lý. Ngoài việc học tập kiến thức từ sách vở còn phải học từ thực tiễn cuộc sống, học từ bạn bè, đồng nghiệp. Năm 2014, tôi đã hoàn thành chương trình học tập Lớp đại học văn bằng 2, hệ chính quy, ngành tiếng Anh (2011-2013), đã được cấp bằng đạt loại giỏi và được Viện trưởng Viện Đại học mở Hà Nội tặng giấy khen vì đạt thành tích cao trong học tập. Ngoài công tác chuyên môn và công tác giảng dạy, tôi còn tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, viết bài cho các tạp chí, hướng dẫn luận văn, luận án, các hội đồng chấm luận văn, luận án trong và ngoài Học viện.

          Thứ ba: Coi trọng giáo dục tinh thần hiếu học

         Truyền thống hiếu học có thể được phát huy thành ý chí, nghị lực khi nó đi sâu vào nhận thức và trở thành niềm tự hào của mỗi cá nhân. Do đó, công tác giáo dục truyền thống là rất quan trọng. Cho dù là đối với gia đình hay cơ quan, đơn vị công tác tôi luôn giữ cho mình là tấm gương sáng về tinh thần học tập, cầu tiến. Trong công việc, tôi luôn tạo cơ hội và khích lệ cán bộ, công chức, viên chức tích cực học tập, thực hiện nguyên tắc dân chủ, phê bình và tự phê bình, coi đây là kênh quan trọng để mỗi cán bộ học hỏi lẫn nhau trong công tác đồng thời giúp nhau sửa chữa khuyết điểm. Tôi cũng khuyến khích toàn thể cán bộ, nhân viên mạnh dạn, thẳng thắn đưa ra sáng kiến hoặc trao đổi về nghiệp vụ công tác, ý tưởng mới trong thực thi nhiệm vụ. Hàng năm, Ban Thanh tra đều tổ chức gặp mặt cán bộ nghỉ hưu để ôn lại truyền thống của đơn vị. Từ những cuộc gặp mặt này, kinh nghiệm và truyền thống hiếu học của thế hệ đi trước tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong đội ngũ cán bộ trẻ.

TS. Nguyễn Thị Báo - Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công

Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”