Thưa chuyên mục tư vấn pháp luật Công đoàn Viên chức Việt Nam!
Tôi là Chủ tịch Công đoàn A hiện nay cơ quan muốn nhận người lao động trên 60 tuổi làm công việc bảo vệ. Lao động này trước đây chưa đóng BHXH. Vậy, cơ quan tôi có thể ký hợp đồng lao động và có phải đóng BHXH cho người lao động không? Nếu được thì thủ tục thế nào?
Trả lời
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục tư vấn pháp luật của chúng tôi về trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 166 Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau 60 tuổi đối với nam và sau 55 tuổi đối với nữ.
Theo Khoản 1, Điều 167 Bộ luật Lao động, hướng dẫn tại Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ, thì khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc giao kết HĐLĐ mới.
Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt HĐLĐ.
Giao kết HĐLĐ với người lao động cao tuổi
Theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 2 và Khoản 1, Điều 124 Luật BHXH năm 2014, người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên hoặc HĐLĐ không xác định thời hạn, thì thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.
Trường hợp người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ thực hiện BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2018.
Vấn đề bạn hỏi, nếu cơ quan có nhu cầu, người lao động cao tuổi có nguyện vọng và đủ điều kiện về sức khỏe để đảm nhiệm công việc thì hai bên có thể giao kết HĐLĐ.
Trường hợp người lao động cao tuổi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo HĐLĐ mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo HĐLĐ, trong đó có quyền lợi về BHXH theo quy định nêu tại Khoản 3, Điều 186 Bộ luật Lao động, ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm.
Trường hợp bạn nêu, người lao động cao tuổi chưa có thời gian tham gia BHXH, không phải là người đang hưởng chế độ hưu trí, thì khi thực hiện HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc.
Đối với HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ thực hiện BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018.
Thủ tục tham gia BHXH
Theo Khoản 1, Điều 97 Luật BHXH năm 2014, hồ sơ đăng ký tham gia BHXH lần đầu bao gồm:
- Tờ khai tham gia BHXH của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia BHXH;
- Tờ khai tham gia BHXH của người lao động.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn.Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn.