CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!
CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM
VIETNAM PUBLIC SECTOR UNION
logo
Xây dựng người Cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo"!

Đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

15:01 11-08-16

     Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX. Cách mạng tháng Tám thành công là do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, thực hiện đoàn kết dân tộc, liên hiệp mọi lực lượng yêu nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng đảng phái chính trị cùng đứng lên đánh đuổi đế quốc Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ phongkiến, giành độc lập dân tộc. Cách mạng tháng Tám để lại bài học kinh nghiệm quý giá về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, bài họcđó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

     

     1. Bối cảnh tình hình và sự chuyển hướng chỉ đạo của Đảng về đoàn kết dân tộc chống đế quốc

     Ngày 1-9-1939 phát xít Đức tấn công Ba Lan, mở màn chiến tranh thế giới lần thứ hai.Tại Đông Dương, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Toàn quyền Đông Dương ra lệnh giải tán Đảng cộng sản và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, hàng loạt báo chí cách mạng và tiến bộ bị đóng cửa; thực dân Pháp thực hiện chính sách kinh tế thời chiến, độc quyền xuất nhập khẩu, lập hàng rào thuế quan khép kín, kiểm soát sản xuất và phân phối hàng hóa, tăng cường thu thuế, trưng thu, trưng dụng nhằm tăng cường vơ vét sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn viết: “chỉ sau mấy tháng chiến tranh, đã có 80.000 lính Việt Nam bị đưa sang pháp” .

     Ngày 22-9-1940, quân Nhật vượt biên giới Việt-Trung tiến vào Lạng Sơn; đồng thời đổ bộ 6000 quân lên Đồ Sơn (Hải Phòng), chính thức phát động chiến tranh xâm lược Đông Dương. Quân Pháp ở Đông Dương nhanh chóng đầu hàng và ký hiệp ước với Nhật Bản.

     Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình, Đảng Cộng sản đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và phương thức hoạt động.Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu họp tại Bà Điểm (Gia Định) ngày 6-11-1939 đã nêu rõ: “Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng” . Mục tiêu đề ra là đánh đổ đế quốc Pháp - Nhật và tay sai, giải phóng Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và tay sai; không nêu khẩu hiệu lập Chính phủ Xô viết công nông binh mà đề ra khẩu hiệu thành lập Chính phủ liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay thế Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Lực lượng của Mặt trận Dân tộc phản đế Đông Dương gồm công nhân, nông dân đoàn kết với các tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông thôn; đồng minh tạm thời, hoặc trung lập với tư sản bản xứ, trung tiểu địa chủ, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong đó “công nông là hai lực lượng chính của cách mệnh, sự đồng minh chặt chẽ của công nông là vấn đề sống chết của cách mệnh, không có sự đồng minh ấy thì cách mệnh không thể thắng được”.Hội nghị Trung lần thứ sáu (1939) đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng.

     Đến Hội nghị Trung ương lần thứ bảy họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, vấn đề đoàn kết dân tộc tiếp tục được khẳng định: “Mặt trận dân tộc phản đế là sự liên minh giữa các lực lượng cách mạng phản đế không phân biệt giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo, mục đích là thực hiện việc thống nhất hành động giữa các lực lượng ấy bằng tranh đấu tiến lên vũ trang bạo động đánh đổ đế quốc Pháp-Nhật và các lực lượng ngoại xâm, diệt trừ phong kiến và các hạng phản bội quyền lợi dân tộc, làm cho Đông Dương hoàn toàn giải  phóng” .

     Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp tại Pắc Bó (Cao Bằng), vấn đề đoàn kết dân tộc tiếp tục được được bổ sung và hoàn chỉnh. Hội nghị đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng lực lượng quần chúng ở cả nông thôn và đô thị, tiến tới xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ để khởi nghĩa. Hội nghị chủ trương tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và nêu thêm khẩu hiểu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, thực hiện “người cày có ruộng”. Sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật, tiến tới thành lập chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa.Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Ngày 19-5-1941 Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập. Các đoàn thể quần chúng đều lấy tên là Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Hội thanh niên cứu quốc….Chương trình cứu nước của Việt Minh tập trung trong hai điều: “Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.Chương trình đó được đúc kết thành 10 chính sách lớn và trở thành những chính sách cơ bản của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

     2. Đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng, chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền

     Từ cuối năm 1942, tình hình có chuyển biến, Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ làm cho mâu thuẫn giữa Pháp với Nhật ở Đông Dương tăng cao và mâu thuẫn giữa nhân dân Đông Dương với Pháp - Nhật ngày càng sâu sắc.Trước tình hình đó, tháng 2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh - Hà Nội) đề ra chủ trương mở rộng hơn nữa mặt trận, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ được, tập trung mọi khả năng chống phát xít Nhật - Pháp. Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh, liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh; đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản , địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều; lập Hội văn hóa cứu quốc ở các thành phố nhằm đoàn kết  trí thức và các nhà văn hóa. Mặt trận Việt Minh mở rộng trên cơ sở không ngừng củng cố và phát triển các tổ chức của công nhân và nông dân lấy đó làm “xương sống của Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Nhật-Pháp”. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ chống Nhật ở Đông Dương.

     Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương, trong năm 1943-1944, hầu hết các đảng bộ địa phương thuộcvùng đồng bằng Bắc Bộ đã lãnh đạo, xây dựng và củng cố các đoàn thể Việt Minh ở nông thôn và thành thị. Tổ chức Việt Minh phát triển mạnh trong các nhà máy, trường học và  trên nhiều đường phố.

     Cũng trong năm 1943, Đảng Cộng sản đưa ra Đề cương văn hóa Việt Nam, trong đó vạch nhiệm vụ trước mắt của các nhà văn hóa Việt Nam là chống lại văn hóa phát xít và phong kiến lạc hậu, xây dựng nền văn hóa “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Năm 1943, Hội văn hóa cứu quốc thành lập, thu hút các trí thức, các nhà văn hóa tham gia. Để mở rộng thêm Mặt trận Việt Minh, tháng 6-1944 các nhà trí thức yêu nước tập hợp lại để thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam và tham gia vào Mặt trận Việt Minh làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít thêm sâu rộng.

     Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân ở các đô thị, phong trào nông dân chống nhổ lúa trồng đay, chống nhổ ngô trồng thầu dầu, chống cướp lúa, cướp đất, chống đi phu đã thu nhiều kết quả. Công tác vận động binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp được tăng cường, kết quả đã có nhiều binh lính quay sang hàng ngũ của Việt Minh. Đảng Cộng sản còn tranh thủ sự giúp đỡ của các lực lượng chống Nhật ở Trung Quốc và tranh thủ vận động Việt kiều ở nước ngoài tham gia phong trào giải phóng dân tộc.Chủ trương đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi lực lượng của Đảng và của Mặt trận Việt Minh đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng cách mạng để chuyển cách mạng sang  thời kỳ tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.

     3. Đoàn kết dân tộc, tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi

     Cuối năm 1944 đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandie của liên quân Anh-Mỹ mở đầu “mặt trận thứ hai” trên chiến trường Tây Âu để phối hợp Hồng quân Liên Xô  tiến công giải phóng các nước ở Trung Âu, Đông Âu và tiến vào giải phóng Beclin. Ngày 8-5-1945 phát xít Đức đầu hàng không điều kiện quân Đồng minh.Trên chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật liên tiếp gặp thất bại. Tại Đông Dương, tình hình cũng chuyển biến rất mau lẹ. Cho đến trước ngày Nhật đảo chính Pháp, quân Nhật có 60.000 quân tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Kỳ và Nam Kỳ, đóng chốt theo thế cài răng lược với quân đội Pháp.Đúng như dự đoán của Đảng, ngày 9-3-1945, Nhật thực hiện chiến dịch MEIGO SAKUSEN (chiến dịch Ánh trăng- Bright Moon Operration) đảo chính Pháp.Toàn quyền Pháp Decoux đã phải than vãn: “Thế là hết!... Điều không thể sửa chữa được đã trở thành  sự thật”. Quân Pháp đầu hàng, một số quân Pháp đóng gần biên giới đã chạy sang Trung Quốc.

     Ngay trong đêm ngày 9-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh). Hội nghị xác định phát xít Nhật là kẻ thù chính, cụ thể trước mắt, duy nhất của nhân dân Đông dương.Thay khẩu hiệu đánh đuổi Nhật- Pháp bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật. Hội nghị quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức bộ đội, du kích, thành lập căn cứ địa mới, thống nhất các chiến khu và thành lập Việt Nam giải phóng quân, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng ở những vùng du kích hoạt động.

     Ngày 12-3-1945 Đảng ra Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Trong bản chỉ thị đã nhấn mạnh phải mở rộng cơ sở của Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết mọi lực lượng vào cao trào kháng Nhật, cứu nước. Thực hiện việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện chính sách đoàn kết, phân hóa hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ mọi lực lượng, kể cả một bộ phận quan lại trong chính quyền tay sai. Ngày 14 và ngày 15-4-1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng tiếp tục nhấn mạnh việc đẩy mạnh hơn công tác vận động quần chúng công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ công chức, đồng bào theo đạo, các đảng phái; đồng thời nhấn mạnh việc thi hành 10 chính sách của Việt Minh.

     Đảng Cộng sản đã đề ra khẩu hiệu “phá kho thóc, giải quyết nạn đói rất kịp thời, phù hợp tình hình và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng, có tác dụng thúc đẩy, phát động quần chúng vùng lên đấu tranh. Điều đó không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt, mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng. Phong trào phá kho thóc để chia thóc cứu đói, cùng với phá chính quyền của địch đã làm cho uy tín của Việt Minh ngày càng tăng cao. Tại những nơi nổ ra cướp thóc cứu đói lên cao thì mọi mặt đấu tranh đều phát triển và mặt trận không ngừng mở rộng. Ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh lan rộng trong cả nước, tại hầu hết các tỉnh, thành phố đã có cơ sở của Việt Minh trong công nhân, nông dân, trong phong trào thanh niên, học sinhvà cả các đơn vị bảo an binh.

     Đầu tháng 8-1945 tình hình chuyển biến rất nhanh. Ngày 6-8-1945 Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima. Ngày 8-8-1945 Hồng quân Liên xô tiến công, đánh bại gần 1 triệu quân Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc; Ngày 9-8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki. Ngày 15-8-1945 Nhật Hoàng công bố đầu hàng không điều kiện quân Đồng minh.

     Trước tình hình khẩn cấp, từ ngày 13 đến ngày15-8-1945, Trung ương Đảng họp hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh tiến vào Đông Dương giải giáp quân Nhật. Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

     Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Hồ Chí Minh, 25 triệu dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã diễn ra rất nhanh gọn, ít đổ máu, dưới nhiều hình thái sinh động, chỉ trong 12 ngày (từ ngày 14-8-1945 đến 25-8-1945) đã giành được thắng lợi, chính quyền của đế quốc và phong kiến sụp đổ, chính quyền cách mạng được thiết lập ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.

     Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 nổ ra trong điều kiện thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, kẻ thù hoang mang, tan rã cao độ, lực lượng quần chúng đã được tập dượt chu đáo. Nhưng quan trọng nhất là lực lượng của toàn dân tộc đã phát huy được ưu thế áp đảo, cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa đã nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và phương pháp khởi nghĩa, căn cứ tình hình thực tiễn cụ thể tại địa phương đã nhanh nhạy, chủ động, sáng tạo, kiên quyết, mềm dẻo, khôn khéo phát động và lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa lật đổ chính quyền địch và thành lập chính quyền cách mạng.

     Trong số 65 tỉnh, thành phố, đặc khu khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám, có 36 tỉnh, thành phố về cơ bản khởi nghĩa bắt đầu từ xã, huyện lên tỉnh, từ ngoại thành vào nội thành, rồi kết thúc tại một số huyện xã còn lại; 15 tỉnh về cơ bản khởi nghĩa ở tỉnh lỵ trước rồi lan về các huyện; Trừ  Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, còn lại 11 tỉnh, đặc khu khởi nghĩa nổ ra ở tỉnh lỵ và nông thôn trong cùng một ngày. Nguyên nhân căn bản là do mặc dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương, nhưng các cấp bộ Đảng địa phương đã căn cứ vào tinh thần của bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta đã quyết định phát động nhân dân khởi nghĩa. Sự nhanh nhạy, chủ động, sáng tạo đó đã góp phần quan trọnglàm cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 diễn ra nhanh gọn, kịp thời.

     Thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 đã thể hiện đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự vận dụng sáng tạo quy luật cách mạng bạo lực và khởi nghĩa giành chính quyền, là sự thể hiện cao nhất của kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa chuẩn bị lực lượng chính trị và quân sự với mau lẹ chớp thời cơ, phát động quần chúng vùng dậy đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu là do những thuận lợi cả khách quan và chủ quan, song yếu tố chủ quan là quyết định nhất. Dù  tình hình thế giới có thuận lợi cho cách mạng, nhưng quyết định nhất vẫn là do Đảng Cộng sản lãnh đạo, biết chớp thời cơ, đã lôi cuốn cả dân tộc Việt Nam hăng hái vùng lên đấu tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc. Chỉ có dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng mới có được thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945.

     Cách mạng tháng Tám đã phá vỡ một khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp và có ảnh hưởng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc, góp phần mở ra thời kỳ tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc và mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Bài học về coi trọng đoàn kết, tập hợp lực lượng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ, binh lính, không phân biệt dân tộc, đảng phái, tôn giáo để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đoàn kết mọi lực lượng dân tộc trong Mặt trận Việt Minh để đánh đổ chính quyền của đế quốc phát xít và phong kiến, giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền nhân dân trong cách mạng tháng Tám 1945 đến nay vẫn còn nguyên giá trị./.

 PGS.TS.Đinh Quang Hải 

Viện trưởngViện Sử học

 Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 

CÁC ĐƠN VỊ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC CHƯƠNG TRÌNH “VÌ PHÚC LỢI ĐOÀN VIÊN”