Thứ nhất, công tác tổ chức, cán bộ của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp thường xuyên được quan tâm, kiện toàn, củng cố. Toàn hệ thống có 01 ủy ban kiểm tra công đoàn ngành, 25 ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 39 công đoàn cơ sở trực thuộc có ủy ban kiểm tra (hoặc phân công ủy viên ban chấp hành làm công tác kiểm tra); đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 3.301 lượt cán bộ kiểm tra các cấp.
Thứ hai, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam đã kịp thời ban hành các quyết định, kế hoạch, hướng dẫn đến các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam, chỉ đạo ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp triển khai thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra hằng năm theo chương trình đề ra. Đã tiến hành kiểm tra 2.449 cuộc kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Qua kiểm tra cho thấy: Hầu hết các công đoàn chấp hành tốt quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tổ chức kiểm tra chấp hành Điều lệ cho thấy các đơn vị đã cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Chế độ sinh hoạt của ban chấp hành, ban thường vụ được duy trì, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động; các công đoàn đã xây dựng quy chế hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra; việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động hằng năm được nhiều công đoàn triển khai và dần đi vào thực chất; nhiều đơn vị xây dựng được quy chế phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp; công đoàn các cấp đã khẳng định được vị trí, vai trò của tổ chức, phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua mở hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động hàng năm, bảo đảm thực hiện chế độ chính sách cho người lao động; hoạt động của ban thanh tra nhân dân bảo đảm yêu cầu…
Thứ ba, công đoàn các cấp đã tổ chức 2488 cuộc kiểm tra tài chính (tăng 311 cuộc so với nhiệm kỳ 2008 -2013). Kết quả kiểm tra cho thấy: Hầu hết các đơn vị chấp hành theo Quy chế quản lý tài chính công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hướng dẫn về công tác tài chính của Công đoàn Viên chức Việt Nam, cơ bản thực hiện chế độ kế toán đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở; tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm; mở các sổ kế toán theo quy định; chứng từ kế toán cơ bản bảo đảm, công tác lưu trữ hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế tóan thực hiện tốt; hầu hết các đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ….Công tác thu kinh phí, đoàn phí của các công đoàn trực thuộc hằng năm đạt kế hoạch và có một số công đoàn thu vượt chỉ tiêu dự toán được giao. Bên cạnh nguồn kinh phí và đoàn phí, các cấp công đoàn đã tranh thủ được sự ủng hộ, tạo điều kiện, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và các tổ chức khác nên đã bổ sung được nguồn thu khác cho công đoàn (trên 24% tổng thu ngân sách hằng năm).
Thứ tư, công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động luôn được công đoàn các cấp quan tâm, qua đó khẳng định được vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đem lại niềm tin cho đoàn viên, người lao động vào tổ chức công đoàn.
Thứ năm, nhiệm vụ giám sát là nhiệm vụ mới của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp được bổ sung từ năm 2017 theo Hướng dẫn số 251/HD-TLĐ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 4/3/2014 thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI. Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tổ chức hội nghị tập huấn toàn ngành vào tháng 4/2017 để phổ biến, quán triệt các quy định, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát và tham mưu xử lý kỷ luật đến các đồng chí là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp trực thuộc, nhiều công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề về công tác kiểm tra, trong đó có nội dung về công tác giám sát.
Phát huy những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua và để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhiệm kỳ 2018 – 2023 các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra công đoàn, tăng cường sự lãnh đạo của ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp đối với tổ chức và hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy chế hoạt động của ban chấp hành, quy chế hoạt động của ủy ban kiểm tra, phân công, phân nhiệm cụ thể.
- Nâng cao chất lượng cán bộ tham gia ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp; đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có từ 04 cán bộ công đoàn chuyên trách trở lên thì bố trí đồng chí chuyên trách công đoàn làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.
- Bảo đảm chế độ sinh hoạt, thực hiện đúng quy chế hoạt động; thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo định kỳ. Công tác thông tin báo cáo giữa các cấp công đoàn cần ngắn gọn, cụ thể về kết quả đạt được của công tác kiểm tra; theo dõi tổng hợp đầy đủ kết quả của công tác công đoàn tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức công đoàn, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tổ chức các hội nghị giao ban, tập huấn chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát; trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các công đoàn trực thuộc. Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp cần tích cực tham mưu giúp ban chấp hành, ban thường vụ trong việc bổ sung, kiện toàn nhân sự ủy ban kiểm tra; làm tốt cụng tác giám sát đối với cán bộ công đoàn và tổ chức công đoàn; tham mưu xử lý kỷ luật khi tổ chức, cán bộ, đoàn viên vi phạm kỷ luật.
Hoàng Bảo Trung
Ủy viên Ban Thường vụ
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra CĐVCVN